“Cơn sốt vàng” tiếp theo ở Australia

06:30' - 21/11/2023
BNEWS Australia kỳ vọng sẽ sớm trở thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhờ “cơn sốt về các loại khoáng sản quan trọng”, yếu tố không thể thiếu trong cuộc cách mạng năng lượng sạch toàn cầu.

 

Theo tờ Sydney Morning Herald, nền kinh tế Australia đã thành công rực rỡ trong hai thế kỷ qua, nhờ “cơn sốt vàng” những năm 1850, “cơn sốt than và quặng sắt” những năm 1970 và sau đó là “cơn sốt khí đốt” vào đầu những năm 2000. Có thể nói nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng dồi dào, sẵn có đã tạo nên những khoản lợi nhuận khổng lồ cho Australia, kéo dài liên tiếp qua các thế kỷ.

Bước sang thập niên 2020, Australia một lần nữa kỳ vọng sẽ trở thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhờ “cơn sốt về các loại khoáng sản quan trọng”, đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc cách mạng năng lượng sạch của thế giới. Nhiều dự báo cho thấy doanh thu xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản như lithium, cobalt và các nguyên tố đất hiếm của Australia sẽ vượt qua xuất khẩu than vào năm 2028.

Tuy nhiên, con đường để chinh phục ngành công nghiệp khoáng sản quan trọng của “xứ chuột túi” đang gặp những rào cản, liên quan tới cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn cung khoáng sản quan trọng. Cách Australia vượt qua thách thức này và nắm bắt cơ hội phía trước sẽ quyết định tương lai nền kinh tế lớn nhất châu Đại dương.

Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để đầu tư chiến lược, nhằm thống trị nguồn cung các loại khoáng sản quan trọng, phục vụ cho công nghệ năng lượng sạch. Chúng bao gồm pin, trang trại điện gió và các tấm pin năng lượng Mặt Trời. Cường quốc lớn nhất châu Á sở hữu hơn 80% nguồn cung đất hiếm toàn cầu và tinh chế hơn 95% quặng sắt của thế giới. Ở những nơi Trung Quốc chưa thống trị được nguồn cung khoáng sản thô, nước này sẽ nhập khẩu các loại khoáng sản đó và dành ưu thế trong quá trình chế biến chúng.

Sức mạnh thị trường của Trung Quốc mang lại rủi ro đáng kể đối với Australia. Mặc dù Australia cung cấp khoảng một nửa lượng lithium cho thế giới nhưng nước này đã chuyển gần như toàn bộ số đó (khoảng 97%) sang Trung Quốc để tinh chế. Điều đó khẳng định hơn nữa vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng chất quan trọng toàn cầu. Đáng lưu ý, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu các khoáng sản thế mạnh như gali, than chì và germani, gây lo ngại cho các ngành công nghiệp sạch trên toàn cầu.

Với các kế hoạch đầu tư khổng lồ đã công bố, Chính phủ Australia đang nỗ lực vạch ra tầm nhìn mới, nhằm nắm bắt cơ hội lớn hơn mà cuộc cách mạng năng lượng hứa hẹn sẽ mang lại một đợt bùng nổ khoáng sản quan trọng tiếp theo. Australia muốn gạt bỏ danh tiếng của mình như một “mỏ quặng của châu Á” bằng cách tạo ra một ngành công nghiệp chế biến “khổng lồ” trong nước, để gia tăng đáng kể chuỗi giá trị khai thác khoáng sản quan trọng. Hơn nữa, quốc gia châu Đại dương này cũng muốn tự sản xuất pin.

 “Mỏ vàng” khoáng sản quan trọng

 
Khoáng sản quan trọng được định nghĩa là những loại khoáng sản mà các quốc gia coi là quan trọng đối với công nghệ, nền kinh tế, an ninh quốc gia hay bởi vì chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương của họ. Australia sở hữu các loại khoáng sản quan trọng, bao gồm lithium, nickel, cobalt, mangan và than chì (những chất cần thiết trong sản xuất pin), cũng như các nguyên tố đất hiếm quan trọng khác để sản xuất nam châm vĩnh cửu được ứng dụng trong tua-bin gió và xe điện.

Nhu cầu các loại khoáng sản trên được dự báo sẽ tăng vọt trong vài thập kỷ tới. Xe điện cần gấp 6 lần khoáng sản quan trọng so với xe thông thường. Các tua-bin gió ngoài khơi đòi hỏi nguồn tài nguyên khoáng sản lớn gấp 13 lần so với một nhà máy điện sử dụng khí đốt có quy mô tương tự.

Theo Viện Grattan, Australia sở hữu 27% tổng trữ lượng lithium, 22% trữ lượng nickel và 21% trữ lượng cobalt toàn cầu. Trong một báo cáo đầu năm 2023, Viện Grattan cho biết nhu cầu lithium dự kiến sẽ tăng tới 41 lần vào năm 2040, trong khi trị giá toàn thị trường của nickel và cobalt dự kiến cũng sẽ tăng 30 lần. Báo cáo nhấn mạnh rằng lithium, nickel và cobalt sẽ mang lại cơ hội kinh tế to lớn cho Australia.

Bộ trưởng Tài nguyên Australia Madeleine King cho biết, so với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc đi trước ba thập kỷ về cung cấp khoáng sản quan trọng. Bà nói: “Hầu hết các quốc gia phương Tây đều nghĩ rằng Australia có thể thuê và thực hiện công đoạn chế biến khoáng sản ở nước ngoài. Thực tế là Australia cần thực hiện các công đoạn này trong nước từ nhiều năm trước. Đây là thời điểm mà Australia cạnh tranh bằng lợi thế tự nhiên của mình”.

Ngày 2/11, trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt của chính phủ Australia, Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers cảnh báo rằng Australia đang không đi đúng lộ trình trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bài phát biểu đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Thủ tướng Althony Albanese đến Trung Quốc. Ông Chalmers cũng tiết lộ một số chi tiết rất quan trọng cho tầm nhìn “sản xuất ở trong nước” của Chính phủ Công đảng Australia hiện nay. Bộ trưởng Chalmers cho biết Australia sẽ đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh trong nước, báo hiệu một kỷ nguyên cạnh tranh mới với Trung Quốc và đánh dấu kế hoạch hợp tác giữa Australia với Mỹ, nhằm phá vỡ thế thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng.

Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) quy mô lớn. Các nhà phân tích tin rằng mức hỗ trợ từ đạo luật này có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD cho các ngành công nghiệp sạch. IRA cũng được mô tả như một “cơn lốc vốn toàn cầu” thu hút đầu tư xanh trên toàn thế giới. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã phát đi tín hiệu cho rằng các công ty của Mỹ đầu tư vào các dự án khoáng sản quan trọng của Australia sẽ được xem xét trợ cấp với các điều kiện bình đẳng như trường hợp đầu tư vào các dự án ở Mỹ - có nghĩa đây sẽ là tiển vọng tích cực hơn cho các công ty Australia trong hợp tác với các công ty Mỹ và tiếp cận nguồn vốn dồi dào của nước này.

Ông Chalmers nói: “Chúng tôi không hề ảo tưởng về tình hình khó khăn nghiêm trọng của nền kinh tế trong nước và kinh tế toàn cầu. Việc Tổng thống Biden khẳng định cam kết đối với các ưu đãi trong IRA sẽ khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng sạch của Mỹ duy trì chuỗi cung ứng của họ ở Australia”.

Bộ trưởng King chia sẻ thêm hoạt động đầu tư của Mỹ đóng vai trò “cực kỳ quan trọng” để mang đến một quy mô đầu tư cần thiết nhằm phát triển ngành công nghiệp của Australia đến một quy mô có thể giành một phần “miếng bánh” thị phần của Trung Quốc. Bà cho rằng điều này là cạnh tranh lành mạnh và không chỉ Trung Quốc, Australia cũng cạnh tranh với nhiều quốc gia khác về đa dạng mặt hàng, cho dù đó là rượu vang hay sản phẩm nào khác. Tuy nhiên, bà King cho biết Chính phủ Australia sẽ không loại trừ khả năng vẫn chấp thuận hoạt động đầu tư trong tương lai của Trung Quốc vào các loại khoáng sản quan trọng ở Australia. Theo Bộ trưởng King, nước này sẽ xem xét từng trường hợp đầu tư nước ngoài cụ thể từ Trung Quốc, cũng như từ các quốc gia khác.

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 10/2023, Thủ tướng Albanese đã thông báo rằng ngân sách dành cho ngành công nghiệp khoáng sản quan trọng của chính phủ sẽ tăng gấp đôi lên 4 tỷ AUD. Trong số 2 tỷ AUD ngân sách ban đầu, 1,75 tỷ AUD dự trù được chi cho công ty khai thác đất hiếm Iluka ở bang Tây Australia vay để xây dựng một nhà máy tinh chế đất hiếm có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Hoạt động tinh chế đất hiếm tại đây có thể xử lý và cung cấp đất hiếm dùng trong sản xuất thiết bị, từ điện thoại thông minh cho đến vũ khí công nghệ cao.

Việc mở rộng quy mô quỹ đầu tư trên diễn ra sau khi Thủ tướng Australia Albanese và Tổng thống Mỹ Biden ký kết thỏa thuận về khoáng sản quan trọng và năng lượng sạch vào tháng 5/2023, trong đó thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia nhằm phá vỡ thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường khoán sản quan trọng. Thỏa thuận trên phù hợp với chiến lược khoáng sản quan trọng của Chính phủ Australia, công bố vào tháng 6/2023, trong đó đề cập việc Australia sẽ hợp tác với các đối tác “cùng chí hướng” gồm Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Những thách thức thực tế

 

Nhưng việc đưa ra tầm nhìn chỉ là bước khởi đầu. Việc biến điều đó thành hiện thực cần một nỗ lực rất lớn. Nhà sản xuất lithium lớn nhất Australia, Pilbara Minerals, cảnh báo rằng chi phí lao động, xây dựng và năng lượng cao của Australia sẽ làm tê liệt tham vọng giá trị gia tăng của chính phủ. Giám đốc điều hành của Pilbara Minerals, ông Dale Henderson, cho rằng ngoài động thái chỉ cung cấp các khoản vay từ quỹ khoáng sản quan trọng, chính phủ cần có thêm trợ cấp cùng với việc đẩy nhanh tốc độ phê duyệt các dự án dựa trên đánh giá về môi trường.

Theo ông Dale Henderson, các khoản tín dụng thuế sản xuất đang khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân và giúp đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án. Sự mở rộng đầu tư của chính phủ sẽ giúp Australia có lợi thế trong cuộc đua giành thị phần khoáng sản quan trọng trên toàn cầu hiện nay. Nếu không có hỗ trợ từ chính phủ, các quốc gia khác tham vọng hơn sẽ thế chỗ để đầu tư vào lĩnh vực này.

Bà Robyn Denholm, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tesla Australia, cho biết hồi tháng 12/2022 rằng nước này có thể từ bỏ công việc “khai thác và vận chuyển” bằng việc tài trợ cho lĩnh vực chế biến các khoáng sản quan trọng.

Nhà phân tích ngành khai mỏ Glyn Lawcock tại công ty Barrenjoey Capital Partners đồng ý với quan điểm của bà Denholm, nhưng cho rằng Australia cần làm nhiều hơn để bảo vệ thị phần lithium hiện nay của nước này. Ông Lawcock cho rằng một sự thật lớn khiến mọi người ngạc nhiên là hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào khai thác lithium đã phát triển nhanh chóng ở châu Phi. Ông Lawcock nói: “Có thể mất 7 năm để thành lập một mỏ sản xuất ở Australia, nhưng mọi người sẽ thấy điều đó xảy ra trong vòng chưa đầy 2 năm ở châu Phi”.

Phó giáo sư John Mavrogenes, chuyên gia địa chất kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định một điều khó có thể xảy ra rằng Mỹ và Australia có thể trong một thời gian ngắn phá vỡ thế thống trị mà Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD trong hàng thập kỷ để củng cố.

Theo vị chuyên gia này, tất cả lithium và đất hiếm mà Australia khai thác đều được chuyển ra nước ngoài, sau đó cuối cùng được đưa đến Trung Quốc. Cường quốc châu Á đã đi trước thế giới rất xa về sản xuất nam châm và pin, khiến nhiều quốc gia còn lại tụt hậu hàng chục năm. Do đó, việc Australia bắt kịp nỗ lực đáng kinh ngạc đó là điều không thể.

Phó giáo sư Mavrogenes cho rằng ngay cả khi thiết lập các chuỗi cung ứng thay thế ngoài Trung Quốc, việc tìm kiếm thị trường cho hàng hóa sản xuất như pin hoặc nam châm là một “điều rất khó”. Do đó Australia và Mỹ cần phải khẩn trương vào cuộc. Trung Quốc có thể sản xuất các sản phẩm này với giá rẻ đến mức khó có thể tưởng tượng Australia và Mỹ sẽ thâm nhập thị trường đó bằng cách nào. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi nhu cầu ngày càng tăng. Lợi thế là Australia có trữ lượng khoáng sản quan trọng khá lớn.

Mỏ đất hiếm Mt Weld ở Tây Australia, thuộc sở hữu của công ty Lynas Rare Earths, cũng lớn tương tự như các mỏ khác trên thế giới. Australia có thể khai thác mỏ này trong 100 năm. Nếu Australia sản xuất ra nam châm từ mỏ này, Australia có thể sẽ trở thành siêu cường.

Chính phủ Thủ tướng Albanese sẽ tập trung nguồn ngân sách hỗ trợ trị giá 4 tỷ AUD vào các công ty đã thành lập và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khoáng sản quan trọng, thay vì hỗ trợ các dự án ở giai đoạn phát triển. EU cũng đã thành lập một quỹ tương tự như Australia là Quỹ Nguyên liệu thô châu Âu, với kinh phí tài trợ hơn 2,1 tỷ USD, nhằm tăng cường nguồn cung mới đối với các khoáng sản quan trọng.

Phó giáo sư Mavrogenes cho rằng nói: “Cả châu Âu và Mỹ thực sự có thể tham gia ‘bữa tiệc’ chung ở Australia. Hầu hết đất hiếm mà chúng ta sử dụng để sản xuất nam châm và nhiều ứng dụng khác đều bắt nguồn từ hai mỏ, một là ở Trung Quốc và một là ở biên giới bang California với bang Nevada của Mỹ. Những mỏ này sẽ không tồn tại mãi mãi”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục