Công nghiệp ô tô Đức trong cơn khủng hoảng

05:30' - 09/11/2024
BNEWS 3/10 nhà máy ở Đức đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa và hàng chục nghìn nhân viên có nguy cơ mất việc làm. Những người được tiếp tục làm việc sẽ phải đối mặt với việc cắt giảm lương đáng kể.
Theo báo Le Point, với việc đóng cửa ba nhà máy ở trong nước và sa thải hàng chục nghìn việc làm, tập đoàn ô tô Volkswagen, “ngọn cờ đầu” của công nghiệp Đức, đang thực hiện một kế hoạch tiết kiệm quyết liệt khiến các công đoàn hết sức bất bình. Khủng hoảng diễn ra được ví như "phát súng" cảnh báo liên minh cầm quyền đang suy yếu của Thủ tướng Olaf Scholz. Cụ thể như sau:
 
Chính từ trên ban công của nhà máy Wolfsburg, trụ sở huyền thoại của hãng Volkswagen, các lãnh đạo nghiệp đoàn đã thông báo "tin dữ" cho hàng nghìn nhân viên đang tập trung phía dưới. Họ đã đàm phán với ban lãnh đạo tập đoàn trong nhiều tháng để cố gắng tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp hàng đầu của Đức vốn trước đây quá quen với việc gặt hái thành công. Là nhà sản xuất ô tô lớn nhất ở châu Âu và là nhà tuyển dụng lớn nhất ở Đức, Volkswagen có 600.000 nhân viên trên khắp thế giới.
 
Kế hoạch quyết liệt nhằm giảm chi phí mà lãnh đạo công đoàn tiết lộ với người lao động cho thấy "gã khổng lồ" này thực sự có “đôi chân bằng đất sét”. Như vậy, 3/10 nhà máy ở Đức đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa và hàng chục nghìn nhân viên có nguy cơ mất việc làm. Về phần mình, những người được tiếp tục làm việc sẽ phải đối mặt với việc cắt giảm lương đáng kể.
 
 

Theo các lãnh đạo nghiệp đoàn, “tất cả các nhà máy của Volkswagen đều bị ảnh hưởng bởi kế hoạch thắt chặt của Volkswagen”. Tập đoàn này sử dụng 120.000 lao động ở Đức và một nửa trong số này làm việc ở Wolfsburg. Mặc dù tên của các nhà máy liên quan chưa được tiết lộ nhưng mọi thứ đều cho thấy rằng nhà máy ở Osnabrück, Lower Saxony, sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Sổ đặt hàng của cơ sở sản xuất này sẽ trống từ năm 2026 do thương hiệu Porsche (thuộc tập đoàn Volkswagen) đã quyết định không sản xuất một trong những mẫu xe mới của mình ở đó. Các nhà máy có quy mô khiêm tốn hơn ở Dresden (Saxony) và Emden (Lower Saxony) cũng nằm trong tầm ngắm của lãnh đạo tập đoàn. Toàn bộ các cơ sở sẽ đóng cửa hoặc được di chuyển ra nước ngoài.

Volkswagen cũng đang có kế hoạch giảm 10% lương và dừng tăng lương trong hai năm liên tiếp, vào năm 2025 và 2026, cũng như bãi bỏ các chế độ tiền thưởng. Theo lãnh đạo nghiệp đoàn của người lao động ở Volkswagen, các lao động được tiếp tục ở lại làm việc sẽ bị mất lương khoảng 18%.
 
“Kế hoạch của lãnh đạo tập đoàn là hoàn toàn không thể chấp nhận được và nó đang phá vỡ văn hóa mà tập đoàn này đã thực hiện trong nhiều thập kỷ. Đây là một đòn giáng mạnh vào những người đang làm việc chăm chỉ cho Volkswagen”, IG-Metall, nghiệp đoàn luyện kim tại Đức, phản ứng và kêu gọi Volkswagen đàm phán với các nghiệp đoàn về một chiến lược bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, theo tập đoàn này, “tình hình đang rất nghiêm trọng. Nếu không có các biện pháp triệt để khôi phục khả năng cạnh tranh, Volkswagen không thể tài trợ cho những khoản đầu tư trong tương lai”. 
 
Có rất nhiều lý do lý giải cho cuộc khủng hoảng. Giờ đây, người Trung Quốc đã có thể tự sản xuất các loại ô tô với giá cả cạnh tranh, khiến cho nguồn lợi của hãng xe Đức cạn dần. Nhất là khi Volkswagen đã chậm trễ trong việc tung ra thị trường mẫu xe điện cỡ nhỏ, giá rẻ hướng đến đối tượng bình dân. Thêm vào đó là hậu quả của đại dịch và sự gia tăng chi phí năng lượng sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine.
 
Đích thân Thủ tướng Olaf Scholz đã phải can thiệp để yêu cầu Volkswagen đảm bảo việc làm. Trong khi đó, Bộ trưởng – thủ hiến bang Bavaria, Markus Söder, một trong những thủ lĩnh của phe đối lập bảo thủ có khả năng giành chiến thắng trước đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử tiếp theo, yêu cầu Chính phủ Đức phải đưa ra một “kế hoạch Marshall cho ngành công nghiệp ô tô” của đất nước.
 
Quan điểm này cũng phù hợp với suy nghĩ của giới nghiệp đoàn ô tô tại Đức. “Những vấn đề này phải được giải quyết bằng chính trị. Cuối cùng cũng phải có sự thức tỉnh. Chúng ta cần một chiến lược rõ ràng để phát triển phương tiện đi lại bằng điện. Nhiều trạm sạc công cộng trên đường và trong thành phố hơn nhưng giá điện cũng phải chăng. Chúng ta cũng cần một chiến lược toàn diện cho ngành công nghiệp Đức”, Daniela Cavallo, một lãnh đạo nghiệp đoàn ô tô Đức, nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục