Đà Nẵng: Người dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở mong muốn sớm được di dời đến nơi an toàn

09:40' - 11/08/2022
BNEWS Từ năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang lập phương án di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét... Nhưng đến nay, chính quyền vẫn chưa triển khai.

Do ảnh hưởng của các đợt mưa bão, địa bàn huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đã xuất hiện một số vị trí có nguy cơ sạt lở đất tại các xã Hòa Sơn (khu vực núi Sọ), xã Hòa Liên (đồi Lệ Mỹ - Quan Nam 3), xã Hòa Bắc (các thôn Nam Yên, Phò Nam, Tà Lang), xã Hòa Phú (thôn Phú Túc).

 

Từ năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang lập phương án di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét... Nhưng đến nay, sau nhiều lần kiểm tra, đo đạc, chính quyền vẫn chưa triển khai. Một mùa mưa nữa đang tới gần, các hộ dân trong diện chờ di dời vẫn đang từng ngày “sống trong sợ hãi”.

* Xóm sạt lở mong sớm được di dời

Chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, các hộ dân tại khu vực chân núi Sọ (Tổ 3, thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) lại sống trong nỗi thấp thỏm lo âu, sợ hãi, sẵn sàng tinh thần sơ tán. Do ảnh hưởng của sạt lở, lũ quét, nhiều nhà trong xóm đã bị lún nền, nứt tường, trôi cả đất đá vào nhà.

Vì vậy, cứ đến mùa mưa bão hàng năm, hàng chục hộ dân lại phải thu gom đồ đạc, đến nơi tránh trú an toàn, nhiều lần kéo dài hàng tháng.

Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất, gia đình ông Huỳnh Mật gồm 7 người (Tổ 3, thôn An Ngãi Tây 1) thường xuyên phải sơ tán hết cả 3 tháng mùa mưa. Từ năm 2020 đến nay, dốc núi phía sau nhà ông liên tục bị sạt lở, có lần trôi cả tảng đá nặng hàng tấn xuống sân sau nhà.

Hiện nền nhà đang bị lún, nứt nhiều chỗ. Dù gia đình đã tự đầu tư làm kè đá phía sau nhưng vẫn bị sạt lở liên tục, phải dọn dẹp đất đá quanh năm và không đảm bảo an toàn. Gia đình ông Huỳnh Mật mong muốn sớm được chính quyền hỗ trợ di dời đến nơi ở mới để an tâm sinh sống, làm ăn.

Gần đó, tường và nền của phòng bếp phía sau nhà ông Trần Nên cũng có những vết nứt chằng chịt, rộng tới 5 cm khiến cho khu vực này có thể đổ sập, sạt lở bất cứ lúc nào. Theo ông Nên, do nhà đang trong kế hoạch giải tỏa, di dời, mấy năm nay, chính quyền không cho sửa chữa. Hiện cả 4 người trong gia đình ông luôn nơm nớp lo sợ khi phải sinh hoạt trong căn nhà lún, nứt chờ thông báo của cơ quan chức năng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Na, Trưởng thôn An Ngãi Tây 1, cả thôn hiện có hơn 40 hộ trong khu vực có nguy cơ sạt lở, đang chờ được di dời. Từ năm 2020, huyện, xã đã có thông báo cho thôn để phối hợp vận động người dân. Qua đối thoại, hầu hết người dân đều đồng tình, ủng hộ và mong muốn sớm được di dời, giải tỏa để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Thực tế cho thấy, mùa mưa bão các năm qua, khu vực này rất nguy hiểm và các cấp chính quyền, người dân phải vất vả để đối phó. Hiện nay, các cấp chính quyền còn đang nghiên cứu, khảo sát, chưa có phương án chính thức để trả lời người dân. Địa phương đề xuất, trước mắt cần sớm cho di dời 6 hộ ngay sát chân núi đang có biểu hiện bị lún, nứt.

* Rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể di dời dân

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, từ năm 2020, huyện đã đề xuất biện pháp di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở tại xã Hòa Sơn và Hòa Bắc. Cụ thể, tại xã Hòa Sơn, qua rà soát có 43 hộ với 137 khẩu thuộc khu vực núi Sọ (thôn An Ngãi Tây 1) nằm trong nguy cơ sạt lở cần phải thực hiện di dời.

Xã Hòa Bắc có 20 hộ với 68 khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở (thôn Tà Lang 7 hộ, thôn Phò Nam 9 hộ, thôn Nam Yên 4 hộ).

Sau khi kiểm tra, UBND huyện đã có báo cáo và tờ trình trình UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án di dời, bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở đất tại xã Hòa Sơn và xã Hòa Bắc với tổng nguồn kinh phí thực hiện là 83,33 tỷ đồng. 

Sau đó, UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, lấy ý kiến các ngành. Trong thời gian các sở, ngành thẩm định, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Huyện đã kiến nghị thành phố cho sớm triển khai dự án di dời dân khỏi vùng thiên tai sạt lở đất tại xã Hòa Sơn và Hòa Bắc. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của thành phố, phương án di dời các hộ dân phải chờ và sẽ triển khai sau khi thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg. Hiện nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về giải pháp trước mắt trong mùa bão 2022, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, huyện luôn chủ động các phương án đảm bảo tính mạng nhân dân trong các đợt bão, mưa lũ…; đồng thời chỉ đạo các xã rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể di dời dân ở các vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét ứng với từng kịch bản thiên tai để tổ chức di dời dân đến nơi an toàn khi có sự chỉ đạo của UBND thành phố, huyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục