Đắk Lắk: Kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi cung ứng

15:44' - 06/10/2023
BNEWS Ngày 6/10, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hoá sản xuất theo chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, nhìn chung khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh cơ bản đã phát triển theo đúng định hướng, là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh và các ngành đang chú trọng tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của địa phương, đẩy mạnh tiêu thụ ở các kênh truyền thống và kết nối với nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử; tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu; kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm với các doanh nghiệp phân phối.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, định hướng và hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất; đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường mới; có những sản phẩm nông sản mới, được đầu tư chuyên sâu về công nghệ để tham gia vào thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, các hợp tác xã cần ưu tiên phát triển thị trường nội địa - điểm tựa của nhiều doanh nghiệp khi thị trường thế giới gặp biến động mạnh. Các doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ sản phẩm kết nối bền vững với hợp tác xã để sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Bài cho biết, trên địa bàn tỉnh có 12.442 doanh nghiệp, 612 hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có những chuyển biến tích cực. Số hợp tác xã liên kết doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đạt 88% kế hoạch. Nhiều hợp tác xã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Bài dự báo, thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi hợp tác xã cần phải đổi mới, tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp và sản xuất kinh doanh... Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu còn ít. Do đó, hội thảo nhằm kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hoá theo chuỗi cung ứng cho các hợp tác xã với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; khuyến khích hợp tác xã phát huy tính năng động, chủ động trong sản xuất kinh doanh, sáng tạo, vững vàng vượt qua khó khăn và thử thách.

Tại hội thảo, đại diện các hợp tác xã trao đổi, chia sẻ về thực trạng sản xuất kinh doanh, nhu cầu về hợp tác cung ứng các sản phẩm đầu vào để nâng cao năng suất, tập trung hoàn thiện sản phẩm để có sức cạnh tranh trên thị trường và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Đại diện Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội và các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào, công nghệ và tiêu thụ sản phẩm giới thiệu các sản phẩm có thể kết nối.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hợp tác xã là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu tập hợp nông dân tạo thành cánh đồng mẫu lớn, đăng ký thiết lập mã số vùng trồng cho cây sầu riêng. Năm 2022, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, đã đưa được quả sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mùa vụ sầu riêng năm 2023, chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã, người dân bị phá vỡ. Tình trạng tranh mua, tranh bán làm loạn giá, gây hệ lụy cho cả hệ thống chuỗi liên kết, việc quản lý mã số vùng trồng không chặt chẽ. Hợp tác xã thiết lập và duy trì mã số vùng trồng bài bản, tuy nhiên giá sầu riêng bán ra thấp hơn giá thị trường. Do đó, nông dân không còn mặn mà với mã số vùng trồng và giảm niềm tin với hợp tác xã.

Dịp này, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ cung cấp, tiêu thụ các sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục