Đảm bảo an toàn chung cư cao tầng: Trách nhiệm thuộc về ai?

16:09' - 03/03/2021
BNEWS Thời gian gần đây, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến những tai nạn trẻ em ngã từ trên cao tại các khu chung cư khiến dư luận không khỏi xôn xao, lo lắng.

Vụ việc bé gái may mắn thoát chết khi rơi từ tầng 13 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua cho thấy sự lơ là, bất cẩn của người lớn trong việc trông nom trẻ nhỏ; đồng thời thêm một lần nữa cho thấy nguy hiểm rình rập đối với trẻ em từ những tòa nhà cao tầng.

Vấn đề đặt ra là ngay từ bây giờ không chỉ trong mỗi gia đình mà cả các chủ đầu tư, ban quản lý các chung cư cao tầng cần xem xét lại cách bố trí vật dụng, cũng như thiết kế khu vực ban công, cửa sổ của các căn hộ sao cho đảm bảo quy chuẩn về an toàn.
Qua những vụ việc liên quan tới tai nạn của trẻ em tại các khu chung cư cao tầng trong thời gian qua, vấn đề quy định về lan can, lô gia và ban công để hạn chế những tai nạn tương tự đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Các vụ tai nạn xảy ra thường là trẻ em ở độ tuổi còn nhỏ, hiếu động, thiếu hiểu biết, rơi ngã khỏi ban công khi không có người lớn trông coi trong khi ban công, cửa sổ không được bảo vệ che chắn.
Theo các chuyên gia, quy chuẩn xây dựng các công trình dù cao hay thấp đều phải đảm bảo an toàn về kết cấu, lan can, cầu thang… Tuy nhiên, rất nhiều công trình đã không thực hiện nghiêm túc quy chuẩn này.

Điều này dẫn tới nguy cơ mất an toàn cho trẻ em thậm chí người lớn. Đặc biệt là sẽ càng không an toàn khi trẻ nhỏ hiếu động không được giám sát chặt chẽ bởi người lớn. Với một lan can đủ chiều cao theo quy định, trẻ em vẫn có thể bắc ghế để leo lên hoặc đu lên dẫn đến bị ngã từ trên cao.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, để khắc phục những nguy hiểm từ ban công hay cửa sổ ở các chung cư cao tầng, đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Trước hết là việc tuyên truyền, hướng dẫn các phụ huynh về những tiêu chuẩn khi xây nhà đảm bảo an toàn, các trò chơi cầu trượt hay đu quay ở các khu vui chơi cũng phải có thanh chắn bảo vệ trẻ không bị rơi.

Chính quyền yêu cầu chủ các tòa nhà phải lắp đặt hệ thống cửa sổ bảo vệ, nhất là đối với các gia đình có con nhỏ. Có nơi, còn triển khai chương trình phổ cập kiến thức cho cha mẹ để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Hiện nay, tại các căn hộ chung cư ở Hà Nội, ngoài những ngày nghỉ thì phần lớn chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Ngoài việc chăm nom và chơi cùng trẻ nhỏ, người lớn còn phải dành thời gian cho những việc khác trong nhà. Do vậy, an toàn của trẻ nhỏ được nhiều gia đình đặc biệt quan tâm.
Gia đình chị Trần Thị Mai ở trong một căn hộ trên tầng 26 tại 1 khu đô thị quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo chị Mai, ở trên cao có cái thích là tầm nhìn toàn cảnh ra thành phố thoáng đãng, không khí trong lành hơn. Nhưng nhà có con nhỏ, cả hai vợ chồng cũng lo lắng chuyện an toàn.
Chị Mai nhớ lại hôm đầu tiên dọn về nhà mới, cả gia đình được phen hú hồn. Bé nhà chị lúc đó khoảng 4-5 tuổi, về nhà mới thích quá, chạy lăng xăng khắp nơi. Bẵng đi một lúc, cả nhà không tìm thấy bé đâu. Gọi mãi thì mới phát hiện ra bé đã chui ra khỏi rèm cửa phòng con.

Hóa ra là do quá thích thú, bé đã trèo ra thành ghế, chui ra sau rèm để nhìn rõ hơn cảnh đường phố bên dưới qua ô cửa sổ. Dù gia đình đã cẩn thận lắp lưới an toàn nhưng vẫn cảm thấy "đứng tim" vì trèo lên thành ghế là bé cao đúng tầm cửa sổ mở chữ A. Từ đó, chị Mai thấy việc lắp lưới an toàn là cực kỳ cần thiết, nhất là với những gia đình sống tại các căn hộ tầng cao có trẻ nhỏ.
Là cư dân sinh sống lâu năm tại chung cư, anh Trần Giang Nam, ngụ tại chung cư Tecco, 65 Linh Đông, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sau sự vụ bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 13 chung cư ở Hà Nội, nhiều cư dân có con nhỏ hết sức lo lắng, nhiều người đã tự mua và căn lưới giăng ở ban công.
Theo anh Trần Giang Nam, chủ đầu tư xây theo thiết kế được duyệt và được nghiệm thu nên không thể xây bịt, xây kín ban công được. Vấn đề quan trọng là mỗi cư dân cần nâng cao ý thức phòng tránh, đặc biệt gia đình có con nhỏ không cho con nhỏ một mình ra ban công.

Ở ban công không nên để các vật dụng tránh trẻ nhỏ hiếu động leo trèo. Đặc biệt, người lớn phải đóng cửa và kiểm tra thường xuyên cửa mở ra ban công, đề phòng trẻ nhỏ tụ tập, vui đùa và leo trèo ra ban công.
Theo các thống kê khoa học về xây dựng, hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi đều chui lọt qua một cửa sổ rộng 30cm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên lắp thêm lưới chắn, hoặc nan hoa cửa sổ. Lắp phần chốt mở ở trên cao và không kê đồ đạc nào gần cửa sổ để trẻ không thể trèo lên.

Ngoài ra, cần lắp các cửa chắn an toàn ở phía trên và dưới cầu thang. Xây các bậc cầu thang thấp và không có cạnh hoặc góc sắc nhọn. Không để đồ đạc bừa bãi ở các bậc thang. Đặc biệt, không bao giờ để trẻ chơi ở ban công mà không được giám sát. Luôn khóa cửa ra ban công, lắp khóa ở vị trí trẻ không với tới. Lan can của ban công phải cao hơn 120cm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo gia đình cần lắp thanh chống an toàn trên giường cho trẻ mới biết đi. Chỉ dùng giường tầng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Lan can an toàn trên giường tầng nên ở cả hai bên giường và khoảng cách giữa các nan của thanh chắn nhỏ hơn 10cm. Sử dụng đèn ngủ gần bậc thang giường tầng để trẻ nhìn rõ vào ban đêm.
Như vậy, bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật như những quy chuẩn về xây dựng, sự giám sát của bố mẹ, người chăm sóc trẻ rất quan trọng để đảm đảm an toàn khi trẻ em sống trong các tòa nhà cao tầng, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Theo kiến trúc sư Vũ Ngọc Kiên, Trưởng phòng quản lý thiết kế Tập đoàn Hòa Bình, phần lớn các thiết kế lan can tại các công trình nhà ở đều phải đạt yêu cầu theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam; trong đó, yêu cầu về chiều cao với lan can không dưới 1,4 mét và khe hở của lan can không được lớn hơn 100mm. Đặc biệt, lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.
Thế nhưng, trên thực tế, kiến trúc sư Vũ Ngọc Kiên cũng chỉ ra những nguyên nhân gây mất an toàn trong quá trình cải tạo, sửa chữa và trang trí ban công dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đó là việc người dân tự ý cải tạo và thêm một số bồn hoa, có thể cao hoặc thấp nên các cháu đã leo trèo lên; hay bên cạnh ban công và giàn phơi có để máy giặt nên trẻ con trèo lên và có thể leo ra ngoài gây nguy hiểm.
Theo Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), tất cả những hộ gia đình trong các chung cư cao tầng, nhất là những hộ gia đình nào có các cháu bé nhỏ tuổi nên cho rà soát lại toàn bộ trong nhà, ngoài hiên lan can, tất cả đồ vật có nguy cơ tiềm ẩn gây nên tổn hại sức khỏe, tính mạng cho trẻ nhỏ, chúng ta phải có sắp xếp chỉnh sửa, gia cố làm sao cho đảm bảo an toàn đối với các cháu.
"Không chỉ ở các chung cư, mà ở các khu vui chơi, trường mẫu giáo, trường tiểu học cũng phải chú trọng đến việc xây dựng lan can, lắp đặt rào chắn hành lang, ban công, cầu thang để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em", Trưởng Công an quận Thanh Xuân Đinh Tuấn Thành nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chủ đầu tư xây dựng chung cư theo thiết kế, quy chuẩn của Bộ Xây dựng được duyệt và được cơ quan chuyên môn nghiệm thu sau khi hoàn thành.

Thời qua, các vụ tai nạn liên thương tâm do leo trèo ban công đều vào thời điểm chung cư đưa vào sử dụng. Vì thế, chủ đầu tư nên khuyến cáo hoặc phát hành cẩm nang sử dụng an toàn nhà chung cư; trong đó có ban công cho người dân trước khi cho khách hàng vào ở.
Đối với cư dân, không nên kê các vật dụng ở ban công để tránh trẻ nhỏ leo trèo, đu bám. Mặt khác, việc rào lưới, cơi nới ban công, thậm chí rào hẳn ban công cũng không phải là giải pháp hữu hiệu vì như vậy sẽ vi phạm thiết kế xây dựng, không đảm bảo độ thông thoáng (gió, ánh nắng) cũng như ảnh hưởng đến việc phòng cháy chữa cháy mỗi khi có sự cố.

“Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị và hiện nay Bộ Xây dựng đang dự thảo việc sửa đổi tiêu chuẩn thiết kế xây dựng chung cư để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng, vừa đảm tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số an toàn trong xây dựng vừa đảm bảo mỹ quan thiết kế”, đại diện Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết thêm./.

>>>An toàn cho trẻ khi ở chung cư, cần lưu ý những gì?


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục