Dấu ấn kinh tế nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp

06:30' - 15/04/2022
BNEWS Chưa đầy hai tuần nữa, lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen hay Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron sẽ trở thành người nắm giữ chìa khoá điện Elysée? Đó là chủ đề đang được quan tâm trên khắp nước Pháp.

Trong khi nữ ứng viên Le Pen hứa hẹn về một mô hình xã hội công bằng, tăng sức mua cho người dân, đặc biệt là những thành phần có thu nhập thấp, người nghèo..., những thành tích kinh tế của Tổng thống Pháp Macron trong nhiệm kỳ trước được coi là chiếc chìa khoá giúp ông giữ được chiếc ghế Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.
 
Từ năm 2017, Chính phủ Pháp đã nỗ lực cải thiện tình hình đất nước thông qua việc "bơm" thêm sức mua cho dân, đẩy lùi thất nghiệp, cải cách thị trường lao động và làm đẹp hình ảnh của nước Pháp với doanh nhân nước ngoài.
 
Tuy nhiên, nhiều kế hoạch cải cách vẫn bế tắc và mục đích tự chủ về năng lượng còn xa vời. Ngoài ra, một phần công luận Pháp cũng bất mãn vì những bất bình đẳng trong xã hội.
 
* Những thách thức liên tiếp

 
Câu hỏi đặt là người Pháp có thật sự nghèo đi trong 5 năm vừa qua hay không? Thống kê của Đài quan sát về tình hình kinh tế Pháp (OFCE) cho thấy nhiệm kỳ của Tổng thống Macron thành công hơn hai người tiền nhiệm là Tổng thống François Hollande (nhiệm kỳ 2012-2017) và Nicolas Sarkozy (2107-2012), khi cả hai ông đều chỉ điều hành đất nước trong một nhiệm kỳ và ông Sarkozy bị cử tri bất tín nhiệm khi ra tái tranh cử.
 
Hai chỉ số là sức mua của các hộ gia đình và chỉ số thất nghiệp, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 25 tuổi tại Pháp, cho phép khẳng định điều này. Tháng 5/2017, Tổng thống Macron lên nắm quyền, 9,5% người Pháp trong độ tuổi lao động không có việc làm. Theo Viện Thống kê quốc gia (INSEE), đến cuối năm 2021, tỷ lệ này giảm xuống 7,4%.
 
Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 15 năm qua. Ngược thời gian trở về thời điểm năm 1981, Pháp mới có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-25 thấp như hiện nay. Những thành tựu đó trên thị trường lao động có được là nhờ chính phủ đã cải cách luật lao động ngay từ năm 2017, cải cách hệ thống trợ cấp thất nghiệp, đồng thời giảm thuế cho doanh nghiệp. Thêm vào đó là hàng loạt chính sách khuyến khích thanh thiếu niên đi học nghề, để có được một chỗ đứng trên thị trường lao động.
 
Những con số thống kê này khiến ngay cả các đối thủ chính trị, những người không cùng chí hướng với chính sách có khuynh hướng tự do của ông Macron, cũng không thể phủ nhận.
 
Trên đài phát thanh France Inter, cựu Đô trưởng Paris, người của đảng Xã hội Cánh tả, Bertrand Delanoë, nhận định: "Trong ba năm sau của nhiệm kỳ, Tổng thống Macron đã chứng tỏ mình là một vị Tổng thống có tầm cỡ. Ông bảo vệ rất tốt người dân Pháp giữa lúc đất nước trải qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, từ phong trào Gilets Jaunes của những người Áo Vàng đến khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Ở điểm này, chẳng những Tổng thống Macron đã đề ra những biện pháp rất hiệu quả để cứu nguy kinh tế mà ông còn có những biện pháp xã hội để giúp đỡ người dân vượt qua cơn hoạn nạn. Là người của cánh tả, điều quan trọng nhất là đẩy lui thất nghiệp và thành quả của ông Macron trong lĩnh vực này quá rõ ràng. Đó là một điểm then chốt về mặt công bằng xã hội".
 
Chưa làm được tất cả nhưng ông Macron là người đã đem lại một số tiến bộ cho xã hội. Cựu Đô trưởng Paris phân tích tiếp: "Tổng thống Macron trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm đã đem lại những tiến bộ thực sự về mặt xã hội. Tôi muốn nói đến những biện pháp như bảo đảm thu nhập cho giới trẻ từ 16 tuổi đến 25 tuổi, nhưng đổi lại những người được trợ giúp phải năng động, tức là phải đi học thêm, phải được đào tạo để hội nhập vào thị trường lao động. Mục tiêu ở đây là đưa những thành phần lao động này ra khỏi giai đoạn khó khăn. Đó là một tiến bộ quan trọng để tạo cơ hội cho mọi người dân có một chỗ đứng trong xã hội. Chính sách về kinh tế, về mặt xã hội của Tổng thống Macron chưa thực sự hoàn hảo và còn rất nhiều việc sẽ phải làm tiếp. Tôi hy vọng rằng, nếu tái đắc cử trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Macron sẽ quan tâm nhiều hơn đến vế xã hội".
 
Từ năm 2017 tới nay, chính quyền Tổng thống Macron liên tiếp bị thách thức. Đầu tiên là đợt đình công kéo dài của nhân viên ngành xe lửa Pháp làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế, gây thiệt hại hàng tỷ euro cho tập đoàn xe lửa quốc gia SNCF để rồi chính phủ phải bù đắp vào lỗ hổng tài chính đó. Tiếp theo là phong trào Gilets Jaunes của những người phẫn nộ xuống đường vào mỗi ngày thứ Bảy hàng tuần.
 

Bước sang đầu năm 2020, đến lượt virus SARS-CoV-2 tấn công cả thế giới trên nhiều mặt từ y tế, xã hội đến kinh tế. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa hết lại xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine sát biên giới châu Âu, đe dọa tăng trưởng của cả một châu lục mà Pháp là một trong những nền kinh tế năng động nhất.

* Những chính sách hiệu quả

 
Căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá xăng dầu và khí đốt tăng cao, bởi Nga là nguồn cung cấp chính cho toàn châu Âu. Ngoài ra, lương thực, thực phẩm ngày càng đắt đỏ bởi thế giới bị mất đi hai nguồn cung cấp lớn là Nga và Ukraine. Lạm phát cũng là mối lo của từng nhà và là cơ hội tốt để các đối thủ chính trị của ông Macron khai thác trong cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống năm 2022.
 
Nhưng ba tuần trước bầu cử vòng một, cũng báo cáo của OFCE cho thấy: "Từ năm 2017 tới nay, sức mua của dân Pháp đã tăng lên". Nhà báo Dominique Seux của báo Kinh tế Les Echos cho biết: "Thống kê gần đây nhất của OFCE, một cơ quan vốn không thân thiện lắm với chính phủ, cho thấy sức mua của 10% thành phần có thu nhập thấp nhất ở Pháp dưới thời Tổng thống Macron đã tăng lên hơn 600 euro (trong giai đoạn từ năm 2017 tới nay) và riêng trong năm 2021, sức mua của thành phần này không hề bị sụt giảm".
 
Nghiên cứu nói trên cũng so sánh thành tích của ông Macron với hai người tiền nhiệm là Hollande và Sarkozy, theo đó trong 5 năm nhiệm kỳ Tổng thống cánh tả thuộc đảng Xã hội Hollande, trung bình sức mua của dân Pháp tăng thêm 0,1%/năm. Dưới thời Tổng thống cánh hữu Sarkozy, tỷ lệ này là 0,2%/năm, nhưng với ông Macron sức mua của dân Pháp tăng thêm được 0,9%/năm.
 
Nhìn đến lạm phát vào lúc giá cả ở Mỹ tăng 7,5%/năm, của châu Âu là hơn 5%/năm, có thể thấy người dân Pháp may mắn hơn. Trong 12 tháng qua, dù đời sống có khó khăn hơn nhưng tỷ lệ lạm phát tại Pháp chỉ là 4,4%, theo thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).
 
Hai tờ báo The Guardian của Anh và New York Times của Mỹ đánh giá cao chính sách kinh tế của Tổng thống Pháp. Trong khi The Guardian có vẻ "ganh tị" vì đời sống ở Pháp ít đắt đỏ hơn thì New York Times không ngần ngại đánh giá việc khắc phục hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra là "hiệu quả nhất" ở Pháp.
 
* Những điều cần cải thiện

 
Dù vậy, trong mắt chuyên gia kinh tế hàng đầu của Pháp Thomas Piketty, Giám đốc nghiên cứu Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội và giảng dạy tại Học viện Kinh tế Paris, vẫn còn nhiều vấn đề mà Tổng thống Macron mới chỉ đưa ra những biện pháp nửa vời.
 
Giám đốc Thomas Piketty đơn cử trường hợp của chính sách trợ giá năng lượng: "Tôi cho rằng lạm phát, hiện tượng giá năng lượng tăng cao được đề cập đến một cách muộn màng và không có một chỗ đứng xứng đáng trong các cuộc tranh luận. Vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Macron, cùng với biện pháp đánh thuế carbon, đây từng là chủ đề đẩy một phần dân chúng xuống đường. Tuy nhiên, rồi đến cuối nhiệm kỳ, Pháp vẫn trong thế thụ động, bất lực mỗi khi giá năng lượng, xăng dầu tăng cao. Chính phủ chỉ đưa ra các biện pháp vá víu, nhưng không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này, tránh để bị lệ thuộc vào những biến động trên thị trường năng lượng quốc tế".
 
Về câu hỏi cách biệt giàu nghèo tại Pháp có được thu hẹp lại hay không trong 5 năm qua, tổ chức nghiên cứu độc lập IPP của Pháp trong tháng 11/2021 trả lời là không. Đành rằng sức mua của người dân Pháp nhìn tổng thể đã tăng thêm so với hồi đầu nhiệm kỳ, nhưng đối với 5% người dân có thu nhập thấp nhất, chưa đầy 800 euro một tháng, thì không.
 
Sức mua của những người này trái lại đã bị giảm 0,5% trong giai đoạn năm 2017 đến cuối năm 2021. Trái lại, 1% những người giàu có nhất đã giàu thêm. Nghiên cứu của viện IPP đi sâu hơn vào chi tiết, những người có thu nhập trung bình 10.500 euro/tháng nhận thấy mức sống của họ được nâng cao và nhất là với thành phần "cực giàu",  sức mua của họ đã tăng thêm đến 4% trong năm 5 vừa qua.
 
Jean Hervé Lorenzi, sáng lập viên Le Cercle des Economistes, tập hợp khoảng 30 chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, qua đài phát thanh tư nhân Radio Classique nêu bật một số lĩnh vực Tổng thống Macron phải làm để đem lại một "làn gió mới" cho kinh tế Pháp. Ông nói: "Sẽ còn phải giải quyết vấn đề nhà ở, cần cải thiện thị trường lao động và khả năng cạnh tranh của Pháp cũng như phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình tái công nghiệp hoá cỗ máy kinh tế của Pháp".
 
Kế hoạch cải cách chế độ lương hưu tại Pháp bị chững lại vì dịch COVID-19. Những nỗ lực nhằm lấy lại cân bằng trong các quỹ an sinh xã hội bị virus SAR-CoV-2 làm tiêu tan. Tham vọng thu hẹp thâm thụt ngân sách nhà nước, giảm nhập siêu... hiện tại vẫn ngoài tầm tay và gần như không thấy chính phủ nhắc tới nữa.
 
Để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình thêm một nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Macron chỉ có hơn 10 ngày để đánh bật hình ảnh của "một vị Tổng thống bảo vệ quyền lợi của phe nhà giàu".
 
Vẫn còn rất nhiều những chương trình cải cách từ y tế đến giáo dục hay hệ thống lương hưu … còn dang dở. Mặc dù vậy trong 5 năm qua, điện Elysée và hai đời Thủ tướng ở điện Matignon tuy không xoá được hết những bất cập của nền kinh tế Pháp, không thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo, nhưng chính sách kinh tế và chương trình giúp đỡ xã hội của ông Macron không đến nỗi tệ.
 
Dù vậy, không có gì bảo đảm là những thành tích đã gặt hái được sẽ giúp vị Tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp giữ được thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Không chắc rằng những thống kê về thất nghiệp, về lạm phát, về số công việc làm được tạo thêm dưới thời Tổng thống Macron có sức thuyết phục hơn những lời đường mật của các phe đối lập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục