ĐBSCL đối mặt với sạt lở nghiêm trọng - Bài 2: Bài toán di dời dân cư

17:00' - 27/05/2017
BNEWS Khi mỗi đợt triều xuống, nước rút đồng nghĩa với cát bị kéo theo, nhiều chân móng, nền nhà thiếu điểm tựa trôi theo dòng chảy.
Hàng rào bảo vệ khu vực trồng rừng tại ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Tính đến cuối tháng 5/2017, khu vực sạt lở nghiêm trọng tại Đồng Tháp, An Giang đã mất gần 300 căn nhà và hơn 20.000 căn nhà khác nằm trong diện di dời khẩn cấp.

Gian nan chuyển đổi nghề mới

Tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, 14 hộ gia đình bị mất nhà trong một lần sạt lở đầu tháng 4/2017.

Những hộ này đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng căn nhà mới trên nền đất do chính quyền huyện Chợ Mới cấp, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính quyền địa phương là 40 triệu đồng/hộ, các đoàn từ thiện từ khắp cả nước hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ. Số còn lại mỗi hộ phải tự xoay xở để hoàn thành căn nhà.

Tuy nhiên, nhà đã có, nợ chưa trả nhưng sinh kế của người dân mới là việc lớn khiến người dân lo lắng khi di dời đến nơi ở mới.

Tại khu vực ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang, nhiều căn nhà được xây dựng kiên cố đã bị bỏ hoang vì tránh sạt lở, trong đó có căn nhà vừa xây dựng xong, với kinh phí hơn 200 triệu đồng, chủ nhà còn thiếu tiền vật liệu xây dựng, chưa kịp vào ở.

Trong 107 hộ dời đi, có 16 căn nhà sụp xuống sông, tỉnh An Giang đã khẩn cấp bố trí 14 nền nhà trong khu dân cư gần đó để người dân nhanh chóng xây dựng nhà vào ở ổn định.

Đồng thời, tỉnh đang xây dựng cụm dân cư tại ấp Mỹ Hội để bố trí 200 nền nhà cho người dân vùng sạt lở, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết.

Qua kết quả quan trắc, toàn tỉnh An Giang xuất hiện 51 điểm có nguy cơ sạt lở, chiều dài 160 km, ảnh hưởng 20.000 hộ dân, trong đó 23 điểm có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng 5.830 hộ dân. Dự kiến, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ đầu tư 23 cụm dân cư để di dời khẩn cấp họ tránh vùng nguy cơ sạt lở cao.

Với những hộ dân bắt buộc phải di dời khỏi vùng sạt lở, nhiều hộ còn gặp khó khăn hơn vì chưa được cấp nền nhà, phải ở tạm trong nhà người thân, hoặc che tạm mái hiên trường học trú ngụ.

Chị Lê Thị Ngà, ở ấp Long Thới B, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết, cách đây nửa tháng, nhà kế bên bị sụp xuống sông và đã được di dời vào trong, còn lại hai căn nhà của hai chị em chị Ngà chỏng chơ thuộc diện bắt buộc di dời nhưng chưa có nơi dọn đến.

Gia đình chị phải dọn vào căn nhà chật hẹp của cha mẹ. Phải dọn đi như thế này, chị không thể buôn bán, kiếm sống và nuôi hai đứa con nhỏ.

Ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhánh Cái Vừng thuộc sông Tiền, ngang qua xã Long Thuận và Phú Thuận A của huyện Hồng Ngự đã sạt lở cục bộ cách đây hai năm. Chính quyền địa phương đã xây kè dài 10 km bảo vệ bờ sông khu vực này.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 5/2017, khu vực này vẫn tiếp tục sạt lở 40 mét, ăn sâu vào đất liền 15 mét, làm mất 600 m2 đất làm trôi một căn nhà và 4 căn thuộc diện di dời khẩn cấp, thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Xã Phú Thuận A có một hộ đã được di dời, còn hai hộ buộc phải cưỡng chế di dời.

Tuy nhiên, những người dân này vốn sinh sống, đánh bắt trên sông mấy mươi năm nay, bắt buộc họ di dời rất khó khăn. Họ không biết làm việc gì để kiếm tiền khi đến nơi ở mới.

Chính quyền địa phương cũng khó giải quyết sinh kế kịp thời cho hàng ngàn hộ dân.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong 10 năm gần đây, hơn 100 km bờ sông Tiền của Đồng Tháp bị sạt lở, xói bờ, mất hơn 290 ha đất sản xuất.

Từ đầu năm 2017 đến nay, 13 vụ sạt lở đã xảy ra tại 4 huyện Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự và thành phố Cao Lãnh.

Huyện Thanh Bình sạt lở hơn 600 mét và hơn 2,3 km nằm trong vành đai sạt lở nghiêm trọng, de dọa tuyến quốc lộ 30 nối liền Đồng Tháp đến biên giới Campuchia, có nơi ăn sâu cách quốc lộ 30 từ 15-25 mét.

Tỉnh đã đồng ý cho huyện Thanh Bình trưng dụng diện tích đất sân vận động để san lấp, xây dựng khẩn cấp cụm dân cư để tổ chức di dời 108 hộ dân, trong đó 77 hộ về cụm, 31 hộ về nhà người thân.

Đến nay, Đồng Tháp đã xây dựng hơn 210 cụm tuyến dân cư giai đoạn 1 và 53 cụm tuyến dân cư giai đoạn 2 bố trí cho hơn 54.000 hộ, đạt 98,8%.

Những ngôi nhà tạm bợ tại cửa biển Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau) thường xuyên bị sạt lở cần được sớm di dời vào các điểm, khu dân cư sinh sống ổn định. Ảnh: Huỳnh Thế Anh-TTXVN

Loay hoay với nghề cũ

Tại bờ biển Gành Hào, khi sóng đánh hư 80 mét mái kè và bức tường bảo vệ vành đai sản xuất của thị trấn Gành Hào, chính quyền địa phương đã cho xây dựng lại một vách tường khác dày hơn, cao hơn để ngăn sóng lúc thủy triều lên.

Thế nhưng, cho đến nay, con đường đê bảo vệ khu vực này bị sóng đánh, chỉ còn lởm chởm đá, nứt nẻ. Được biết, ngay cửa biển Gành Hào, hơn 2.000 hộ dân đang sinh sống bằng nghề đánh bắt, dịch vụ hậu cần nghề cá. Trên chiều dài 80 mét kè, hơn 200 hộ dân sống bằng nghề chài lưới.

Ông Đặng Văn Hòa, ấp 1, thị trấn Gành Hào với hơn 40 năm sống bằng nghề đánh bắt, chia sẻ, nhiều hộ dân ở đây không biết phải xoay xở ra sao khi tàu đánh bắt nằm ở một nơi, còn nhà ở lại ở nơi khác quá xa tàu sản xuất.

Hơn nữa, với nghề đánh bắt khơi, lực lượng nhân công sử dụng mỗi khi tàu cá về bến rất nhiều, khi nhà ở xa như vậy, rất khó huy động, gây ảnh hưởng đến chất lượng cá khi đưa lên bờ. Không những vậy, những sản phẩm biển cần làm khô cũng sẽ hư hao nhiều hơn khi phải vận chuyển xa bờ. Nhiều người ở đây cũng khó mưu sinh khi chuyển đến nơi khác.

Mười năm trước đây, bờ biển Gành Hào cách con đê bảo vệ thị trấn 2 km, đồng thời có vành đai rừng phòng hộ và bãi cát dài bảo vệ. Thế nhưng, 8 năm trước, đai rừng bị sóng đánh lở, bãi cát cũng bị xóa sổ trong hai năm qua.

Hiện nay, độ sâu ngay bờ Gành Hào ở mức 3 mét, độ sâu càng cao, sóng biển càng mạnh đe dọa người dân khu vực này. Hơn 8.000 hộ dân đang nằm trong diện di dời khẩn cấp, ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu cho biết.

Khu vực xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau là bãi bùn lớn hình thành từ phù sa mịn, cư dân ở đây sống bằng nghề nuôi hải sản và trồng rừng. Thế nhưng, khi đối diện với sạt lở bờ biển, nhiều nơi bị mất đất, nhất là diện tích nuôi tôm.

Anh Trần Văn Thuận, ngụ tại ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi cho biết, diện tích nuôi tôm sinh thái của gia đình anh bị mất dần hằng năm do sạt lở đất, nhiều hộ nuôi khác cũng rơi vào cảnh tương tự.

Có thời điểm, cây cầu của xã bị sập vì long chân cầu, người dân cùng chính quyền địa phương đã phải làm lại để lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Nếu như phải dời đi, gia đình anh sẽ không còn đất sản xuất, bản thân anh chưa tìm được nghề mới mưu sinh.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ: Theo dự báo của các nhà khoa học, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ven biển ngày càng phức tạp, sạt lở sẽ diễn ra trên toàn tuyến trên 254 km bờ biển của tỉnh Cà Mau. Trong đó, bờ Tây có gần 60/90km bị sạt lở, ba đoạn ở mức nghiêm trọng là từ Cống Hương Mai đến tiểu Dừa, Vàm Cống T29 đến Khánh Hội, Đá Bạc đến kênh Mới, tổng chiều dài 5,7 km.

Đê biển Đông sạt lở diễn ra mạnh hơn, nhiều hơn ở 4 đoạn cửa Vàm Xoáy (xã Đất Mũi), cửa Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc), Hốc Năng (xã Tân Ân) và Hố Gùi (xã Nguyễn Huân), tổng chiều dài các đoạn là 10 km. Sạt lở đã gây mất bình quân hơn 400 ha bờ biển mỗi năm, hàng ngàn hộ dân nằm trong diện phải di dời.

Trước biến động sạt lở ngày càng nghiêm trọng với tốc độ càng nhanh, việc đi tìm giải pháp để ứng phó linh hoạt, lâu dài với sạt lở, ổn định đời sống cho người dân, giữ đai rừng phòng hộ, giữ đất, đường biên ven biển trên hai bờ Đông, Tây đang là bài toán khó hiện nay.

Bài 3: Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với sạt lở nghiêm trọng: Giải pháp nào để cứu đồng bằng

>>>ĐBSCL đối mặt sạt lở nghiêm trọng - Bài 1: Từ câu chuyện hạt cát, phù sa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục