Để doanh nghiệp xuất khẩu bớt "đơn thương độc mã"

07:01' - 01/04/2016
BNEWS Doanh nghiệp "đơn thương độc mã" như những "chiến binh trên đấu trường" mà không nhận được hỗ trợ về công cụ phòng vệ thương mại hay khuyến cáo trước những rào cản thương mại vô lý mà họ sẽ mắc phải.
Bên cạnh thuận lợi do quá trình hội nhập mang lại, nhiều thách thức cũng xuất hiện khiến doanh nghiệp lo ngại. Ảnh: TTXVN

Năm nay được đánh giá là một năm có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết. Cơ hội mở ra cũng là lúc thách thức tiến gần bởi những rào cản thương mại, qui tắc xuất xứ và những đòi hỏi khắt khe đang là những “khúc mắc” khiến doanh nghiệp lo ngại.

Chính từ lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành công thương cần quan tâm hơn nữa trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, sớm phát hiện các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó, đấu tranh nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi cho doanh nghiệp.

* Khó "chồng" khó

Câu chuyện xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đang bị kiểm tra kháng sinh nghiêm ngặt gấp 10 lần so với tiêu chuẩn tương tự do châu Âu áp dụng đang nổi lên trong giới doanh nghiệp xuất khẩu. Sự việc dù đã kéo dài khoảng 1 năm nay khi Việt Nam và Ấn Độ cùng chung cảnh ngộ bị kiểm soát, còn Thái Lan lại yên vị nằm trong vòng an toàn.

Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã không ít lần bày tỏ quan ngại trước các Bộ, ngành liên quan khi Việt Nam để "tiếng chuông kêu cứu" vang xa. Không chỉ vậy, đã có hơn 10 quốc gia sử dụng truyền thông để bôi nhọ sản phẩm của Việt Nam, như bị ô nhiễm, gây biến đổi gien… khiến người tiêu dùng của họ bị tác động.

Tuy nhiên, sự "rối rắm" từ công tác hành chính cũng như nguồn thông tin cung cấp cho doanh nghiệp còn nghèo nàn đã khiến sự việc ngày càng bị đẩy xa khỏi vòng kiểm soát.

Khó lại chồng khó khi doanh nghiệp "đơn thương độc mã" như những chiến binh trên đấu trường mà không nhận được sự hỗ trợ về những công cụ phòng vệ thương mại hay những khuyến cáo trước những rào cản thương mại vô lý mà họ sẽ mắc phải.    

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc một công ty xuất khẩu gạo sang thị trường châu Mỹ cho hay, công ty bà rất "mù mờ" về thông tin chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, không biết chất nào nằm trong danh mục cấm của nước bạn.

Vì vậy, mới có chuyện doanh nghiệp chuyển hàng qua thì bị giữ lại để chờ kiểm định chất lượng. Buồn hơn là với những lô hàng không đạt chất lượng khiến doanh nghiệp phải chuyển ngược về nước.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không nhận được sự hỗ trợ về những công cụ phòng vệ thương mại hay những khuyến cáo trước những rào cản thương mại. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên-TTXVN

Còn theo bà Tô Tuệ Lan, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thuận, sự thay đổi các chi tiết trong quy định quy trình chế biến cũng như chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ phía đối tác chưa được tham tán thương mại cập nhật cũng khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ thêm, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh thời gian gần đây gặp không ít khó khăn bởi thủy sản thì chịu nhiều rào cản của các nước nhập khẩu nên hiệu quả không như mong muốn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự phối hợp giữa doanh nghiệp với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chưa chặt chẽ, thương vụ chưa phát huy được vai trò kết nối thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, đây chỉ là một trong vô vàn những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Hơn nữa,  xu hướng áp dụng rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phổ biến hơn, dẫn đến việc doanh nghiệp trong nước khó tăng thị phần, nhất là trong bối cảnh sản phẩm Việt Nam chậm cải thiện về chất lượng.

* Đổi mới phương thức phối hợp

Mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra trong năm 2016 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%. Điều đó cũng có nghĩa xuất khẩu phải tăng trưởng 16,2 tỷ USD so với năm ngoái. Năm 2016 được dự đoán vẫn còn nhiều biến động.

Song những điều hành quyết liệt của các Bộ, ngành trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những thành công trong đàm phán hàng loạt các Hiệp định thương mại sẽ là tiền đề để Việt Nam cán đích 178,3 tỷ USD xuất khẩu trong năm mới 2016.

Ông Đào Trần Nhân, Công sứ, Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ cho biết, thời gian qua, thương vụ ở Hoa Kỳ và các cơ quan thương vụ khác trên thế giới đã có cố gắng, nỗ lực hết sức để giúp đỡ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải thấy rằng, hiện nay các cơ quan thương vụ không thể trả lời, giải quyết các công việc hộ cho các doanh nghiệp trong nước.

Các doanh nghiệp muốn được sự hỗ trợ tốt hơn của thương vụ của nước ngoài thì cần “làm bài tập về nhà” của mình trước khi có liên hệ với thương vụ. Tránh tâm lý ỷ lại, khoán trắng cho thương vụ trong việc tìm hiểu thị trường.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Doanh nghiệp cần quan tâm đến phát triển thị trường, tận dụng các FTA mới. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Còn theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ tại Nhật Bản thì việc kết nối cần phải có sự thay đổi để giảm tải việc của thương vụ với từng doanh nghiệp. "Vừa rồi chúng tôi đã đặt ra những trọng tâm kết nối giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật Bản để tranh thủ được những doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.

Tiếp nữa là kết nối giữa các địa phương hai nước với nhau có những thỏa thuận hợp tác giữa các hiệp hội cũng như doanh nghiệp hai nước để có cách xúc tiến hiệu quả" - ông Dũng cho biết .

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, mục tiêu tới đây xuất khẩu phải tập trung nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả, đầu tư vào chế biến sâu, đặc biệt cần quan tâm đến phát triển thị trường, tận dụng các FTA mới.

Do vậy, Bộ trưởng “đặt hàng” cho đội ngũ tham tán thương mại tại các nước phải đổi mới trong công tác thông tin thị trường, phân tích làm rõ các vướng mắc, đặc biệt là tranh chấp thương mại ở từng thị trường. Thương vụ cần chủ động kiến tạo mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cơ quan thương mại phát triển; tập trung hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự mình vươn lên, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của chính mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục