Đề xuất cho doanh nghiệp có nợ xấu tiếp cận gói vay 0% trả lương nhân viên

17:21' - 12/10/2021
BNEWS Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ bỏ 2 trong 3 điều kiện cho vay gói lãi suất 0% trả lương nhân viên nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận gói cho vay trả lương nhân viên, Ngân hàng Nhà nước phối hợp bộ, ngành đã đề xuất Chính phủ cho phép bỏ 2 trong 3 điều kiện vay vốn hiện nay. Đó là điều kiện không có nợ xấu và phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020.

Thông tin trên được Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 12/10.

Liên quan đến chính sách cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc cho biết, cập nhật mới nhất đến cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Nghị quyết 68 số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động.

"Con số giải ngân chưa phải là lớn so với tổng số 7.500 tỷ đồng của gói cho vay nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã và đang rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, qua quá trình thực hiện, tiếp thu ý kiến đề xuất của các đơn vị, doanh nghiệp, một số điều kiện cần được chỉnh sửa để chính sách đi vào thực tiễn", ông Tú khẳng định.

Theo đó, thay vì phải đảm bảo đủ 3 điều kiện của gói vay vốn là doanh nghiệp phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc cho người lao động ngừng việc tối thiểu 15 ngày liên tục (từ 1/5 đến hết tháng 3 năm sau), không có nợ xấu và phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ bỏ 2 điều kiện cuối để "mở đường" cho doanh nghiệp có thể vay vốn để trả lương nhân viên, phục hồi sản xuất.

"Do đó, gói cho vay lãi suất 0% trả lương nhân viên có thể chỉ còn một điều kiện duy nhất là doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc cho lao động có đóng bảo hiểm xã hội ngừng việc trong ít nhất 15 ngày", Phó Thống đốc chia sẻ.

Thông tin thêm về chính sách cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng. Tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước, do tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng.

Thời gian tới, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế./.

>>Doanh nghiệp mong mỏi chờ gói cho vay trả lương phục hồi sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục