ĐHĐCĐ TPBank 2020: Đặt mục tiêu tăng vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng

10:41' - 27/05/2020
BNEWS Chủ tịch TPBank cho biết kế hoạch tăng vốn lên 10.199 tỷ đồng dự kiến thực hiện trong quý III và IV năm nay, bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%.
Tăng vốn điều lệ từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng tiếp tục là mục tiêu đặt ra trong năm 2020 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra sáng nay (27/5) tại Hà Nội.

Đây không phải lần đầu kế hoạch này được bàn tới. Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2019, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.566 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ đã được các cổ đông nhất trí nhằm tăng năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu về mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn và phát huy tối đa các nguồn lực của TPBank. Tuy nhiên đến nay, mục tiêu này vẫn "dậm chân tại chỗ".

Lý giải điều này, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng cho biết: "TPBank gặp khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư trong nước do tác động của thị trường cổ phiếu năm 2019. Do đó, Hội đồng quản trị dự kiến phương án tăng vốn sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn và sẽ triển khai trong năm 2020".

Theo đó, kế hoạch tăng vốn dự kiến thực hiện trong quý III và IV năm nay, bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%.

Ngoài ra, nội dung hoàn thiện, phát triển hệ sinh thái nhằm mở rộng quy mô hoạt động cũng là điều được ngân hàng tính đến, bao gồm việc mua lại công ty tài chính nhằm thực hiện chiến lược phát triển sang lĩnh vực tài chính tiêu dùng, hướng tới mục tiêu lọt vào top 5 ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.

Năm 2020, TPBank đặt mục tiêu đạt quy mô tổng tài sản 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất 4.068 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Kế hoạch này đã có dự tính đến ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Năm 2019, TPBank đã hoàn thành sớm kế hoạch mua lại toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đồng thời trích lập đầy đủ dự phòng và sử dụng dự phòng xử lý rủi ro đối với các khoản nợ này.

Trước đó, TPBank cũng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng trước thời hạn Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kể từ ngày 1/5/2019.

Tính đến nay, TPBank đã hoàn thành một số dự án trong khuôn khổ triển khai Basel II (phiên bản 2 của Hiệp ước Basel) như: Hoàn thiện quy trình và chính sách quản trị rủi ro thị trường, quy định tính rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, quy định tính rủi ro thanh khoản (giai đoạn 1), hệ thống tính vốn tự động theo Thông tư 41 (giai đoạn 1), tăng cường khung quản trị rủi ro gian lận.

Nợ xấu của TPBank dù được kiểm soát ở mức thấp so với bình quân toàn ngành nhưng có xu hướng gia tăng. Tính đến 31/12/2019, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,28%, tăng 0,11% so với cuối năm 2018, tuy nhiên vẫn nằm trong kế hoạch của ngân hàng (dưới 1,5%).

Mặc dù vậy, tính đến hết quý I/2020, tỷ lệ này đã tăng mạnh lên mức 1,87%. Theo đó, tổng nợ xấu của TPBank tăng 53% so với đầu năm, lên mức 1.884 tỷ đồng; trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 61%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 64% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 36%.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ của TPBank tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước, lên mức 324 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng trong quý đầu năm nay chỉ còn 1.009 tỷ đồng và 809 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 19% so với cùng kỳ./.

>>>TPBank chủ trương mua lại công ty tài chính trong năm 2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục