Dịch COVID-19: Các kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020

05:30' - 05/03/2020
BNEWS Tăng trưởng GDP trong quý I/2020 của Trung Quốc có thể giảm xuống 0% hoặc thậm chí đi vào vùng tiêu cực trước những tác động của sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 5/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Atimes.com, trong một bài bình luận về những tác động kinh tế, nhà kinh tế học có ảnh hưởng Trương Ngạn Nguyên (Zhang Anyuan) đã cảnh báo rằng “công tác tuyên truyền không thể dịch chuyển những ngọn núi” và Trung Quốc sẽ “hết sức khó khăn” để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay.

Ông Trương Ngạn Nguyên - chuyên gia kinh tế trước đây công tác tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc - đã chỉ ra rằng những dự đoán trước đó, vốn bác bỏ lực cản trung và dài hạn do virus SARS-CoV2 gây ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là “suy nghĩ mang tính mơ ước”.          

Chuyên gia Trương Ngạn Nguyên - hiện làm việc tại công ty tài chính CFC - một doanh nghiệp môi giới do Công ty Chứng khoán CITIC điều hành, cho biết rằng “nếu trong tháng 1 và tháng 3/2020, Trung Quốc thành công trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% (mỗi tháng), và nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 2/2020 giảm 12%, sau đó tiếp tục giảm trong ba tháng liền, tăng trưởng trong quý đầu tiên sẽ là 0%.         

Tuy nhiên, dựa trên tỷ lệ phần trăm số doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động, việc sử dụng năng lượng, lưu lượng hành khách, lượng container đưa vào và các chỉ số khác, nền kinh tế Trung Quốc trong tháng Hai sẽ tồi tệ hơn nhiều so với mức giảm ước tính 12% - chuyên gia Trương Ngạn Nguyên viết trên trang web của Diễn đàn Các Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Trung Quốc - một cơ quan nghiên cứu dưới sự bảo trợ của Quốc Vụ viện (Chính phủ Trung Quốc).         

Nhận xét của chuyên gia Trương Ngạn Nguyên dường như đập tan hy vọng về những mục tiêu chính thức của Chính phủ Trung Quốc vào năm 2020, bao gồm tăng trưởng GDP đạt mức khoảng 6%. Hầu hết các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo của họ đối với tăng trưởng GDP Trung Quốc xuống từ 4% đến 5% và Bắc Kinh có vẻ chắc chắn sẽ phải sửa đổi các số liệu của mình. 

Tháng trước, Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa các nhà máy, doanh nghiệp và trường học trong một động thái nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19. Việc dần dần quay trở lại làm việc đã bắt đầu cách đây 9 ngày khi các nhà sản xuất lớn bắt đầu sản xuất một cách hạn chế. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang vật lộn để “lấy lại phong độ”. 

Việc khu vực tư nhân chiếm khoảng 80% việc làm ở thành thị và 60% tăng trưởng GDP đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành một ưu tiên của chính quyền do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu. Do vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc 0,4% xuống còn 5,6%, nhưng cảnh báo rằng con số này có thể tiếp tục được sửa đổi.           

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói trong một tuyên bố: “Trong kịch bản tham khảo hiện tại của chúng tôi, khi các chính sách đã công bố được thực hiện và nền kinh tế của Trung Quốc sẽ trở lại bình thường trong quý II. Kết quả là tác động đối với nền kinh tế thế giới sẽ tương đối nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xem xét các kịch bản khủng khiếp hơn khi sự lây lan của virus COVID-19 tiếp tục kéo dài và lan rộng hơn trên toàn cầu, khi đó những hậu quả đối với tăng trưởng sẽ kéo dài hơn”.           

Morgan Stanley cũng thận trọng hơn sau khi đưa ra một bản thông báo vắn tắt vào ngày 27/2. Ngân hàng đầu tư đa quốc gia này nêu rõ: “Số lượng các trường hợp mới nhiễm bệnh bên ngoài Hồ Bắc đã tăng trở lại lần đầu tiên sau 6 ngày (433 người vào ngày 26/2 so với 406 người vào ngày 25/2) trong bối cảnh khôi phục sản xuất, với tốc độ khiêm tốn. Thêm 3 tỉnh cũng hạ mức phản ứng khẩn cấp của họ.”            

Tuy nhiên, điều này diễn ra trong bối cảnh tình hình đang thay đổi nhanh chóng, dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành không ngừng trên toàn cầu. Đối với Tập đoàn Vanguard, có ba kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế của Trung Quốc.

Tập đoàn đầu tư này cho biết trong một báo cáo tuần này: “Một vài kịch bản có thể khiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc nằm trong phạm vi 5-5,5%, nhưng một kịch bản thứ hai, hợp lý hơn, là trong phạm vi thấp hơn 5% do việc tiếp tục kiểm dịch hàng loạt và hoạt động kinh doanh bị đóng cửa, với việc hoạt động kinh tế không trở lại bình thường có lẽ cho đến đầu quý II/2020”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục