Dịch COVID-19: Nhiều dấu hiệu tích cực tại châu Á

20:17' - 11/05/2020
BNEWS Dịch COVID-19 tại các nước Châu Á như Trung Quốc, Campuchia, Lào, Singapore, Malaysia và Philippines đã có những dấu hiệu tích cực.

Ngày 11/5, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), Mễ Phong cho biết Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 26 ngày liên tiếp tính đến ngày 10/5.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Mễ Phong cho biết trong ngày 10/5, số ca bệnh nặng tại Trung Quốc đại lục lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 người trong khi số ca mắc từ nước ngoài về giảm xuống dưới 100 người.

Tuy nhiên, trong 14 ngày qua, 7 khu vực cấp tỉnh của nước này thông báo các ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng cùng với số ổ dịch tăng.

Ông Mễ Phong kêu gọi các cơ quan chức năng nỗ lực xác định nguồn lây nhiễm, tăng cường theo dõi tiếp xúc, cách ly, giám sát y tế và điều trị nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm. 

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2019, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 82.918 ca mắc, trong đó có 4.633 ca tử vong.

Cùng ngày, giới chức y tế Hong Kong (Trung Quốc) thông báo Khu hành chính đặc biệt này không ghi nhận ca mắc mới nào trong ngày 11/5 và đây là ngày thứ 22 liên tiếp Hong Kong không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Tính đến chiều 11/5, tổng số ca mắc tại Hong Kong hiện ở mức 1.047 ca với 4 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục cho thấy tín hiệu khả quan tại Lào và Campuchia. Trong ngày 11/5, Lào không ghi nhận ca mắc mới và hiện duy trì tổng số 19 ca mắc.

Campuchia ghi nhận ngày thứ 29 liên tiếp không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Đến nay, Campuchia có 122 ca mắc, trong đó 120 người đã hồi phục và ra viện.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, Bộ trưởng Y tế nước này Mam Bun Heng cho biết 2 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở 2 tỉnh Banteay Meanchey và Kampong Chhnang cuối tuần trước đã được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet ở Phnom Penh.

Ông Bun Heng nói rằng ông đã đề nghị Sở y tế địa phương chuyển bệnh nhân nam từ Kampong Chhnang và bệnh nhân nữ từ Banteay Meanchey về điều trị ở Phnom Penh vì Phnom Penh có những bác sĩ đầu ngành có thể chăm sóc sức khỏe cho 2 bệnh nhân này.

Theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet Ngy Meng, 2 bệnh nhân này phải điều trị lâu hơn do họ có bệnh nền, trong đó bệnh nhân nam mắc tiểu đường và bệnh nhân nữ có vấn đề về tâm lý.

Trong diễn biến liên quan, Sở Y tế tỉnh Siem Reap (miền Bắc Campuchia) đã cách ly một gia đình gồm 4 người trở về từ Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và sau đó trốn cách ly khỏi trung tâm y tế Chak Angre Kroam ở Phnom Penh.

Giám đốc Sở Y tế Phnom Penh Ngy Meanheng cho biết gia đình này về Campuchia ngày 9/5 và được sắp xếp cách ly tại trung tâm y tế Chak Angre Kroam ở Phnom Penh. Họ trốn khỏi trung tâm vào ban đêm khi nhân viên trung tâm ngủ say.

Trước đó, ngày 8/5, Đại sứ quán Campuchia tại Kuwait đã can thiệp để hồi hương gia đình mắc kẹt tại UAE này về nước do lệnh giới hạn đi lại được áp đặt trong mùa dịch COVID-19.

Trong khi đó, tại Philippines, Bộ Y tế cho biết thêm 292 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 11.086 người.

Quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 726 người. Trong khi đó, bộ trên thông báo thêm 75 bệnh nhân bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện tại Philippines lên thành 1.999 người.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết nước này xác nhận thêm 70 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 6.726 ca.

Số ca tử vong tại Malaysia tăng thêm 1 người lên 109 người. Trong khi đó, thêm 88 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca được chữa khỏi bệnh lên 5.113 ca, chiếm 76% tổng số ca mắc.

Bộ Y tế Singapore cũng thông báo nước này ghi nhận thêm 486 ca mắc, nâng tổng số ca mắc ở "đảo quốc sư tử" lên thành 23.822 người.

Số ca mắc trong ngày ở mức thấp nhất trong một tuần, chủ yếu là do quy trình xét nghiệm chậm lại khi một trong những phòng thí nghiệm của Singapore đang kiểm tra thiết bị sau khi phát hiện 33 ca dương tính giả.

Cùng ngày, giới chức Fiji cho biết một nhóm thuộc Bộ Truyền thông Fiji đang hợp tác với nhóm chuyên gia công nghệ thông tin của Singapore và Đại học Nam Thái Bình Dương (USP) để triển khai thử nghiệm một ứng dụng theo dõi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 tại đảo quốc Thái Bình Dương.

Ứng dụng có tên gọi TraceTogether được phát triển tại Singapore và ra mắt hồi tháng 3 vừa qua.

Nhờ tính năng Bluetooth, TraceTogether có thể xác định các bệnh nhân COVID-19 trong phạm vi 2 mét. Mục đích thử nghiệm TraceTogether là để xem tính ổn định của hệ thống trước khi chính quyền Fiji triển khai ứng dụng trên toàn quốc.

Đến nay, Fiji ghi nhận tổng cộng 18 ca mắc, trong đó 14 ca đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục