Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế tạo tại châu Á

15:32' - 04/05/2020
BNEWS Theo IHS Markit, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng Tư đã giảm sâu hơn so với tháng Ba, một số nền kinh tế giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Theo các kết quả khảo sát công bố ngày 4/5, hoạt động của các nhà máy tại châu Á đã bị ảnh hưởng lớn trong tháng Tư, và triển vọng trở nên ảm đạm hơn khi những hạn chế đi lại mà các chính phủ thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã làm đóng băng hoạt động sản xuất trên toàn cầu và khiến nhu cầu sụt giảm.

Một loạt số liệu về chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng Tư mà IHS Markit công bố đã giảm sâu hơn so với tháng Ba, với chỉ số này của một số nền kinh tế giảm xuống mức thấp chưa từng có, trong khi số khác rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

PMI của Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và là cường quốc chế tạo của thế giới, giảm xuống 41,6 trong tháng Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009.

Trong khi đó, PMI của Nhật Bản được công bố tuần trước cũng giảm tương tự, xuống mức thấp nhất trong 11 năm.

PMI của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất lớn về các thiết bị công nghệ đắt tiền, giảm xuống 42,2, mức thấp nhất kể từ năm 2009 và giảm so với mức 50,4 trong tháng Ba.

Mức giảm PMI của Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan ít nghiêm trọng hơn so với ở các nền kinh tế khác trong khu vực, với PMI của Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Việt Nam giảm xuống các mức thấp kỷ lục. 

Tại Ấn Độ nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, các đơn hàng mới và sản lượng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2005 và các nhà máy cắt giảm việc làm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi các khảo sát được thực hiện.

Theo nhà kinh tế tại khu vực châu Á của Capital Economics, Alex Holmes, nhu cầu toàn cầu đang giảm sút và có thể chưa thoát đáy.

Chuyên gia Holmes cho rằng các số liệu sắp tới của Mỹ và các nước Tây Âu sẽ cho thấy nhu cầu giảm chưa từng có và trong khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục, nhu cầu vẫn rất yếu.

Tuần trước, số liệu PMI chính thức của Trung Quốc cho thấy hoạt động chế tạo của nước này vẫn tăng trưởng trong tháng Tư, dù chậm hơn so với tháng Ba, trong khi PMI của lĩnh vực tư theo khảo sát của Caixin cho thấy sự giảm sút, dù không giảm mạnh như các nền kinh tế khác.

Nhưng dù Trung Quốc có thể đi trước so với các nước khác trong việc thoát khỏi tình trạng tê liệt về kinh tế do tác động của đại dịch, bất kỳ sự phục hồi nào cũng được cho là sẽ diễn ra từng bước và không thể ngay lập tức thúc đẩy nhu cầu toàn cầu.

Các số liệu tương tự của các nền kinh tế lớn nhất châu Âu dự kiến được công bố trong ngày 4/5 và các ngày sau đó trong tuần này cũng được cho là sẽ cho thấy sản xuất công nghiệp ở các mức thấp kỷ lục, củng cố nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế rằng kinh tế toàn cầu đang đứng trước sự sụt giảm mạnh nhất kể từ những năm 1930./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục