Dịch COVID-19 sáng 2/4: Sản xuất kinh doanh dần được khôi phục tại Trung Quốc

06:04' - 02/04/2020
BNEWS Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 74.199 ca mắc mới và 4.531 ca tử vong. Tại Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch COVID-19 đã có dấu hiệu "hạ nhiệt", các hoạt động đang dần được khôi phục.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 1/4 đã gọi đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đồng thời nhấn mạnh virus gây chết người SARS-CoV-2 đang “tấn công vào cốt lõi của xã hội”.

Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) cho biết phải ít nhất 1 năm nữa trước khi một loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 được phê duyệt và có sẵn với số lượng đủ để sử dụng rộng rãi.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan nhanh trên toàn thế giới, con người vẫn chưa thể tìm ra phương thuốc hữu hiệu nhất để tiêu diệt virus SARS-CoV-2, “giãn cách xã hội” (cách ly xã hội - social distancing) đang được xem là biện pháp tối ưu, được hầu hết các quốc gia áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus gây chết người này.  

*Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam

6h sáng 2/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 4 ca nCoV, gồm một người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai, 3 người nhập cảnh được cách ly ngay​​​​​​:

- BN219 - nữ, 59 tuổi, quê Hưng Yên, đi chăm sóc người bệnh tại Khoa Thần kinh, BV Bạch Mai, cùng phòng với BN133 ngày 16/3.

- BN220 - nam, 20 tuổi, từ Pháp về nước ngày 17/3.

- BN221 - nữ, 24 tuổi, du học sinh tại Canada, ngày 24/3 về nước, có quá cảnh ở Đài Bắc, Đài Loan.

- BN222 - nữ, 28 tuổi ở Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội, sống và làm việc tại Mỹ, ngày 20/3 về Việt Nam trên chuyến bay mang số hiệu JL751.

Như vậy, diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay:

Số ca mắc COVID-19: 222

Tử vong:                    0

Trong đó, tổng số ca bình phục là 63:

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

-  47 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 1/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2)

Hiện còn 155 bệnh nhân đang được điều trị tại 23 cơ sở y tế trong cả nước. Sau thời gian điều trị cách ly, 54 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 một lần, trong đó 43 bệnh nhân có kết quả âm tính từ hai lần trở lên. Ba bệnh nhân nặng đã có tiến triển tốt hơn.

Ngày đầu thực hiện “cách ly toàn xã hội”. Nguồn: VNEWS/TTXVN

* Đến nay, số ca mắc COVID-19 liên quan Bệnh viện Bạch Mai là 37 ca trong đó có 4 ca là cán bộ, nhân viên của bệnh viện, 33 ca liên đới.

Đến 12 giờ ngày 1/4, các địa phương đã rà soát, giám sát, quản lý sức khoẻ 44.293 trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3. Cụ thể: 4.736 bệnh nhân nội trú, 1.272 bệnh nhân ngoại trú, 30.515 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.026 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 91 người làm cho công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan.

* Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc công bố dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc.

Theo nhận định Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp chiều 1/4, tới ngày 19/3, cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy, thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1, ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca mắc bệnh mới.

Từ mốc 100 ca đến 1.000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 người mắc COVID-19, sau 7 ngày có 171 ca; sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, có thể nói, số ca mắc ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì đã có những giải pháp sớm, chủ động, kịp thời, hiệu quả.

Đến nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có trên 200 ca mắc COVID-19 - Việt Nam đang đứng thứ 88 nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.

*Tại cuộc họp Thường kỳ Chính phủ tháng 3/2020 diễn ra ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Dự thảo về gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả COVID-19 trị giá hơn 61.500 tỷ đồng.

Đây là những giải pháp về lĩnh vực an sinh xã hội có tính cấp bách được trình Chính phủ góp ý kiến nhằm hoàn thiện gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Tính đến 5h45 sáng nay theo giờ Việt Nam, trên thế giới đã có 203 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với tổng số 932.554 người mắc COVID-19 và 46.840 ca tử vong.

Trong đó, Mỹ tiếp tục có số ca mắc bệnh cao nhất thế giới, lên tới 212.980 người, trong đó có 4.759 người tử vong. Tiếp theo là Italy (110.574 ca nhiễm, 13.155 ca tử vong), Tây Ban Nha (104.118 ca nhiễm, 9.387 ca tử vong). Trung Quốc, Đức, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở các vị trí tiếp theo trong danh sách 10 nước có ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.

Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 74.199 ca mắc mới và 4.531 ca tử vong.

1. MỸ

Theo số liệu cập nhật đến rạng sáng 2/4 theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 211.143 người sau khi tăng thêm 22.613 người so với ngày trước đó.

Như vậy, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt quá mốc 210.000 người. Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ hiện được ghi nhận ở 4.713 người, tăng 660 người trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, số lượng phục hồi là 8.805 người, còn số ca bệnh nặng là 5.005 người.

Số liệu này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 1/4. Cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng mất 4,4% giá trị sau khi lần lượt để “bốc hơi” 937,7 điểm và 114,1 điểm, rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ đầu năm do lo ngại về tác động khủng khiếp từ sự lây lan của dịch COVID-19.

Trong một diễn biến khác liên quan, chính phủ Mỹ và chính quyền bang Florida cũng đã thảo luận về kế hoạch cho phép hàng nghìn hành khách trên tàu du lịch MS Zaandam được lên bờ. Trước đây chính quyền bang Florida phản đối điều này do lo ngại những người trên du thuyền có thể mang theo dịch bệnh truyền cho cư dân thành phố Fort Lauderdale ở phía Nam bang Florida, nơi con tàu sẽ cập bến để đưa người đi cách ly.

Ngày 1/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tìm cách quy trách nhiệm cho Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Trung Quốc khi được hỏi về lý do Mỹ nhận thức quá muộn về tính nguy hại của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Ông Pence cũng nhấn mạnh rằng virus SARS-CoV-2 rõ ràng đã xuất hiện một thời gian dài trước khi thế giới biết đến vào tháng 12/2019, Trung Quốc có thể đã đối phó với chủng virus này trước đó một tháng.

Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng tình hình bùng phát tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2 đối với Mỹ có thể sẽ chấm dứt vào đầu tháng 6 nếu mọi chỉ dẫn được tuân thủ.

Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đang tìm kiếm các khoản vay thông qua gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD của Chính phủ có thể nhận được tiền sớm nhất là ngày 3/4.

Dự báo này được các quan chức chính quyền Mỹ đưa ra hôm 31/3, khi trả lời giới truyền thông về các chi tiết của chương trình cho vay.

2. ITALY

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 1/4, nước này ghi nhận thêm 4.782 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 110.574 trường hợp. Số ca tử vong tăng lên 13.155 trường hợp (tăng 727 ca). Số ca hồi phục tăng lên 16.847 ca (tăng 1.118 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.403 ca nhập viện, 4.035 ca phải điều trị tích cực và 48.134 ca cách ly tại nơi ở.

Hãng thông tấn ANSA của Italy cho biết ngày 1/4 Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng phong tỏa trên cả nước tới ngày 13/4.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 31/3, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho rằng dựa trên đường cong dịch bệnh, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy đã lên đến đỉnh điểm.

Phát biểu trước báo giới, ông Brusaferro khẳng định đó không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.

3. TÂY BAN NHA

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h40 (giờ Việt Nam) sáng 2/4, Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng số 104.118 ca nhiễm COVID-19 và 9.387 ca tử vong, tăng lần lượt 8.195 và 923 ca so với 24h trước đó.

4. TRUNG QUỐC

Tại Trung Quốc, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang "hạ nhiệt". Trong 24 giờ qua, Trung Quốc chỉ ghi nhận 36 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong. Hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi và dần tăng tốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết mức độ tái hoạt động của các chuỗi siêu thị lớn và các cửa hàng tiện ích đã đạt lần lượt 99,5% và 95,4%, với doanh số vượt các mức ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 95,8% các trung tâm thương mại và 80% ngành giải trí đã hoạt động trở lại.

Mỹ và Châu Âu gồng mình chống dịch COVID-19. Nguồn: VNEWS/TTXVN

5. ĐỨC

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h40 (giờ Việt Nam) sáng 2/4, Đức có 77.981 ca nhiễm COVID-19 và 931 ca tử vong, tăng lần lượt 6.173 và 156 ca so với 24h trước đó.

6. PHÁP

Giới chức y tế Pháp cho biết trong 24 giờ qua, số người chết vì dịch COVID-19 tại các bệnh viện của nước này đã lập kỷ lục mới với 509 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong lên đến 4.032 kể từ ngày 1/3, trong đó 83% trên 70 tuổi.

Tối 1/4, Thủ tướng Edouard Philippe đã có buổi điều trần trước Quốc hội về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Được hỏi về thời hạn bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại, hiện đã bước sang tuần thứ ba, ông Philippe cho biết các nhóm làm việc của chính phủ dựa trên một số giả thuyết để đưa ra nhiều kịch bản. Có thể việc dỡ bỏ lệnh này sẽ không diễn ra "cùng một lúc cho tất cả mọi nơi và tất cả mọi người", ông nhấn mạnh. Các kịch bản được đề ra theo vùng miền, theo các xét nghiệm thậm chí theo nhóm tuổi.

Hoạt động buôn bán xe hơi của Pháp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính phủ nước này thực hiện biện pháp cách ly cộng đồng từ ngày 17/3 trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

Tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu, bao gồm cả đại lý xe hơi, đều bị đóng cửa. Hậu quả là thị trường xe hơi của Pháp đã giảm 72,2% trong tháng 3 và được dự báo có thể sẽ giảm 20% trong năm nay. Đây là kết quả xấu nhất trong lịch sử ngành xe hơi Pháp.

7. IRAN

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h40 (giờ Việt Nam) sáng 2/4, Iran đã ghi nhận tổng số 47.593 ca nhiễm COVID-19 và 3.036 ca tử vong, tăng lần lượt 2.988 và 138 ca so với 24h trước đó.

8. ANH

Theo số liệu của Chính phủ Anh công bố ngày 1/4, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 2.352 ca, tăng 563 ca trong vòng 24 giờ qua. Như vậy, tính đến nay Anh đã ghi nhận tổng cộng 29.474 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 4.324 ca so với một ngày trước đó.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak ngày 31/3 cho hay Anh đã miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị y tế trong đó có máy thở, bộ kit xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và quần áo bảo hộ trong nỗ lực nhằm cải thiện nguồn cung cho các bệnh viện. Những thay đổi về thuế nhập khẩu sẽ có hiệu lực từ ngày 3/4 tới.

Theo thông báo ngày 1/4 của Bộ Lao động và Lương hưu Anh, từ ngày 16/3 đến nay đã có hơn 950.000 người đăng ký lĩnh trợ cấp xã hội, trong khi mức đăng ký thông thường chỉ vào khoảng 100.000 đơn/tuần. Nếu cứ tính mỗi đơn xin trợ cấp tương ứng với một người thất nghiệp thì tỷ lệ không việc làm tại Anh đã tăng vọt lên mức 6,7% so với chỉ 3,9% hồi đầu năm nay.

Bộ Lao động và Lương hưu Anh hy vọng trong số gần 100.000 đơn xin trợ cấp có thể có nhiều người chỉ bị mất việc tạm thời trong thời gian dịch bệnh, hoặc vẫn có việc làm nhưng thu nhập bị cắt giảm. Với tình trạng này, đến giữa tháng 4 tỷ lệ thất nghiệp có thể vượt mốc 10%, cao nhất trong hơn 1/4 thế kỷ qua.

9. THỤY SĨ

Tính đến ngày 1/4, Thụy Sĩ đã ghi nhận 17.239 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 464 trường hợp tử vong.

Theo nghiên cứu của ngân hàng tư nhân Vontobel được công bố ngày 1/4, ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ sẽ trải qua sự suy giảm lớn nhất trong 50 năm qua.

Xuất khẩu đồng hồ dự kiến sẽ giảm hơn 30% trong tháng 3/2020, sau khi giảm 9,2% trong tháng 2/2020, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc - khởi nguồn của đại dịch - đã giảm 50% so với năm trước đó. Trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sẽ giảm 40%.

Không chỉ riêng xuất khẩu, sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ cũng đang là một vấn đề. Các nhà sản xuất đồng hồ như Rolex, Audemars Piguet, Patek Philippe, Hublot và Tag Heuer đã tạm thời đóng cửa các cơ sở sản xuất của họ. Những hãng khác như Swatch đã sử dụng biện pháp giảm giờ làm việc.

Tuy nhiên, khả năng phục hồi với sự cải thiện đáng kể vào nửa cuối năm khi có thể nối lại các hoạt động vào tháng 5 hoặc tháng 6/2020.

10. THỔ NHĨ KỲ

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 5h40 (giờ Việt Nam) sáng 2/4, Thổ Nhĩ Kỳ có thêm 2.148 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 63 ca tử vong so với 24h trước đó. Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tính đến nay là 15.679, trong đó 277 ca đã tử vong.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới du lịch quốc tế. Nguồn: VNEWS/TTXVN

Ngoài 10 nước có số ca nhiễm virus cao nhất thế giới kể trên, tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia cũng đang diễn biến khá phức tạp.

*CHÂU PHI

Ngày 1/4, Bộ Y tế Nam Phi thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi này lên 1.380 trường hợp. Tuy nhiên, đây là ngày thứ 2 liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm thấp nhất trong vòng nửa tháng qua.

Trước đó, hôm 23/3, Nam Phi đã ban hành lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 21 ngày kể từ 24h00 ngày 26/3 đến 24h00 ngày 16/4. Theo đó, trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân không được phép ra khỏi nhà trừ một số trường hợp đặc biệt như đi khám bệnh, mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men và đi nhận tiền trợ cấp.

Ngày 1/4, Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 virus SARS-CoV-2 gây ra cho biết, tính đến chiều ngày 1/4 theo giờ địa phương, Algeria đã ghi nhận thêm 131 trường hợp mắc COVID-19 và 14 người tử vong, nâng tổng số người mắc COVID-19 trên cả nước lên 846 người và 58 ca tử vong.

Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 đứng thứ 2 tại châu Phi, chỉ sau Nam Phi. Các quốc gia có số lượng người mắc COVID-19 cao tiếp theo tại châu Phi là Ai Cập, Maroc, Tunisia.

*CHÂU Á

Nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Nhật Bản ngày 1/4 thông báo mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài tới từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại phiên họp của nhóm đặc trách về ứng phó với dịch, Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ lệnh cấm mới sẽ được áp dụng từ ngày 3/4 tới và có hiệu lực cho đến cuối tháng này. Những công dân nước ngoài từng tới những khu vực trên trong 14 ngày qua sẽ không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản.

Bắt đầu từ ngày 1/4, tất cả hành khách nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng bắt buộc phải có thời gian cách ly 14 ngày. Đối với những người không đến từ khu vực châu Âu và Mỹ được khuyến cáo tự cách ly tại nhà; những người không có nơi ở cố định ở Hàn Quốc mà phải sử dụng cơ sở cách ly do nhà nước chỉ định sẽ phải chi trả mức phí khoảng 100.000 won/ngày (82 USD).

Bên cạnh đó, tất cả hành khách nhập cảnh đều phải cài đặt phần mềm theo dõi trên điện thoại thông minh để cho phép cơ quan chức năng sở tại có thể kiểm soát và đảm bảo không có sự vi phạm quy định cách ly. Người dùng cũng có thể thông báo cho cơ quan chức năng về tình trạng sức khỏe của mình qua phần mềm này.

Với chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn của Hàn Quốc, được ghi nhận là giúp làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, hiện đã 121 nước đề nghị quốc gia này hỗ trợ cung cấp bộ thử virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang chịu áp lực lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc đã thành lập một đội đặc nhiệm để xác định cách thức có thể hỗ trợ, hoặc qua xuất khẩu, hoặc viện trợ nhân đạo.

Tại Ấn Độ, ngày 1/4, trang mạng India Today đưa tin Ấn Độ đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên tại khu ổ chuột Dharavi, thành phố Mumbai, bang Maharashtra.

Dharavi rộng 613 héc ta với 1,5 triệu dân là khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ và cũng lớn nhất châu Á. Thành phố Mumbai là một điểm nóng lây lan dịch COVID-19 tại Ấn Độ, chiếm hơn 50% trong số hơn 320 người nhiễm bệnh của bang Maharashtra.

Theo trang mạng The Hindu, đến nay Ấn Độ đã ghi nhận 1.897 bệnh nhân SARS COVI 2, trong đó 59 người đã tử vong.

Cùng ngày, công ty Đường sắt Ấn Độ quyết định cải tạo 20.000 toa tàu thành các phương tiện dùng để cách ly, góp phần tăng cường các cơ sở phục vụ cách ly và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

>>> CẬP NHẬT TIN TỨC MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục