Đích đến thật sự của Tổng thống Donald Trump (Phần 2)

06:48' - 19/04/2017
BNEWS Các động thái mới nhằm tái định hình chính sách thương mại của nước Mỹ liệu có mang lại hiệu quả thật sự?
Các động thái nhằm tái định hình chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump có mang lại hiệu quả thật sự?Ảnh: Reuters

Kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 20/1, Tổng thống Trump kêu gọi thu thập các dữ liệu đối với những quốc gia bị Mỹ cho là đã tiến hành bán phá giá vào thị trường Mỹ gây ra tình trạng thâm hụt thương mại đối với Mỹ.

Theo văn phòng Trách nhiệm giải trình của Mỹ, kể từ năm 2001 Mỹ đã thu được số tiền hơn 2,3 tỷ USD áp dụng đối với các quốc gia có hành vi bán phá giá vào thị trường nước này.

Trước đó, vào ngày 23/3, Hiệp hội Các nhà sản xuất dầu diesel sinh học quốc gia của Mỹ (NBB) đã đệ đơn kiện Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã áp thuế chống phá giá đối với nhập khẩu dầu diesel sinh học từ Indonesia.

Tuy nhiên, chuyên gia Bhima Yudhistira Adhinegara đến từ Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Indonesia (INDEF) cho biết việc Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu loại mặt hàng này của Indonesia ra thế giới.

"Giống như hàng dệt may và giày dép, chúng tôi ghi nhận mức thặng dư không phải do bán phá giá mà bởi vì người Mỹ không muốn làm những hàng hóa này vì chi phí nhân công cao.

Đó là lý do tại sao các thương hiệu của Mỹ như Nike đã chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ sang Indonesia", ông Adhinegaranói với tờ Post.

Đồng quan điểm trên, Investvine dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho rằng tuy hiện nay thâm hụt thương mại của Mỹ lớn nhất với Trung Quốc là 347 tỷ USD, Nhật Bản 68,9 tỷ USD; với Việt Nam là 32 tỷ USD, song những con số này không hoàn toàn do các thỏa thuận thiếu công bằng hay gian lận mà còn do lượng nhập khẩu dầu của Mỹ, hoặc việc buộc phải nhập khẩu một số sản phẩm mà nước này không sản xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Ngư nghiệp Indonesia Thomas Darmawan cho biết, hàng xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ chủ yếu là các sản phẩm tài nguyên thiên nhiên dạng thô như cao su, cà phê và thủy sản.

Do đó, ông Bhima Yudhistira Adhinegara thuộc INDEF nhận định: "Nếu họ thiết lập hàng rào vào hàng hóa của Indonesia, họ sẽ đặt mình vào tình thế khó khăn”.

Trung tâm Cải cách Kinh tế Indonesia (CORE), Giám đốc điều hành Mohammad Faisal nói rằng Indonesia nên cùng với các quốc khác bị Mỹ liệt vào danh sách bán phá giá kêu gọi WTO chống lại cáo buộc của Tổng thống Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở West Palm Beach, bang Florida ngày 6/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm đáng chú ý khác, theo ông Adhinegara, mục tiêu chính của biện pháp này là nhằm vào Trung Quốc – quốc gia gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lớn nhất đối với Mỹ.

Thương mại luôn là một trong những vấn đề “nóng” nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump đã lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cho rằng các hoạt động này đang làm giảm công ăn việc làm của Mỹ.

Ông cam kết sẽ áp thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù chưa có hành động gì trong lĩnh vực thuế quan, nhưng chính quyền của ông Trump đã tìm cách cắt giảm mức nhập siêu lên đến 347 tỷ USD từ Trung Quốc thông qua thực thi luật thương mại chặt chẽ hơn và áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Để xoa dịu đi những quan ngại của Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất mở rộng hợp tác và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ thông qua các hiệp ước đầu tư song phương, cho phép Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng Mỹ.

Và cho dù có nhiều tín hiệu tích cực từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, nhưng rõ ràng những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung không dễ giải quyết “một sớm, một chiều”.

Mâu thuẫn, cạnh tranh và xung đột luôn là vấn đề giữa các cường quốc và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này là một cuộc thử nghiệm lớn đối với cả hai bên.

Trong cuộc gặp vừa diễn ra tại nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều là những người đủ khôn ngoan để hiểu rằng không nên làm cho đối phương mất mặt nếu như không muốn rơi vào một cuộc đối đầu thực sự trên nhiều mặt trận bởi hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, vì lợi ích của mỗi bên.

>>Đích đến thật sự của Tổng thống Donald Trump? (Phần 1)

>> Chuyên gia Mỹ đề xuất hướng đi trong chính sách thương mại Mỹ - Trung

>> Thông tin mới nhất về kinh tế Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục