Điều gì đang xảy ra đối với kinh tế Trung Quốc?

05:30' - 06/10/2019
BNEWS Bên cạnh việc sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ thấp nhất kể từ tháng 8/2002, các vấn đề như chiến tranh thương mại với Mỹ và dịch tả lợn đang phá vỡ đà tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN 

Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và một loạt số liệu yếu kém gần đây đang làm dấy lên những mối quan ngại mới. Câu hỏi được đặt ra lúc này là điều gì đang khiến các nhà đầu tư lo lắng và Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào?

Trung Quốc từng là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới khi các quốc gia phát triển phải hứng chịu thiệt hại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ đầu những năm 1990.

Bên cạnh việc sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ thấp nhất kể từ tháng 8/2002, các vấn đề như chiến tranh thương mại với Mỹ và dịch tả lợn dường như đang phá vỡ đà tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc.

* Thể trạng của nền kinh tế...

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cao cấp từ Oxford Economics, cho hay sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc đang trở nên khá đáng kể.

Sự suy yếu của nền kinh tế trong nước và môi trường bên ngoài xấu đi, bao gồm cả suy thoái toàn cầu và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đều có vai trò trong sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế nước này.

Do tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với hàng hóa và máy móc, nên bất kỳ sự suy thoái nào cũng có thể để lại những hậu quả sâu rộng".

Các dữ liệu chính thức đã mang tới một triển vọng ngày càng u ám, với sản lượng công nghiệp không mấy sáng sủa, bên cạnh việc doanh số bán lẻ đang chậm lại.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1% trong tháng 8/2019 so với một năm trước đó, trong khi xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm mạnh, với mức giảm lên tới 16% - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tranh chấp với Mỹ đang làm tổn thương thương mại song phương.

Tuy nhiên, so với thời điểm giữa những năm 2000, sự tăng trưởng chậm lại gần đây lại diễn ra tương đối từ từ. Nền kinh tế này đã tăng trưởng 6,2% trong quý II/2019, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,4% trong ba tháng đầu năm và 6,6% của cả năm 2018.

Mặc dù vậy, Frederic Neumann, Giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, nói: "Điều này không có nghĩa là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hoàn toàn "rơi xuống vách đá". Ngược lại, nền kinh tế này vẫn còn nhiều động lực tăng trưởng", ví dụ như xây dựng nhà cửa và chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thuế và sử dụng các biện pháp nhằm tăng cường tính thanh khoản trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên, ông Neumann nói rằng trong khoảng thời gian này, Chính phủ đã "hạn chế khá nhiều" khi cấp tín dụng cho các công ty và cá nhân.

Chính phủ tin rằng Trung Quốc cần hạn chế rủi ro trong hệ thống tài chính và hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Ông Neumann cho biết, kích thích tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã hạn chế điều này.

Trong khi đó, chuyên gia Wu cho rằng thay vào đó họ chọn cách cắt giảm thuế, một cách làm có xu hướng kém hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế so với đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia Wu kỳ vọng Bắc Kinh sẽ làm nhiều hơn để kích thích nền kinh tế trong tương lai, thông qua cả chính sách tài khóa và tiền tệ, nhưng ông cũng lo lắng điều này là chưa đủ.

Ông Wu nói: "Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ làm nhiều hơn để giúp ổn định tăng trưởng vào năm tới. Tuy nhiên, rủi ro chính là các nhà chức trách đã không thúc đẩy chính sách hỗ trợ đủ để ổn định tăng trưởng".

* ... và các yếu tố khác

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc đang trong thế giằng co trong một cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm và dự kiến sẽ có thêm nhiều biện pháp áp thuế.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics, nói rằng tác động từ thuế quan của Mỹ đã được bù đắp ở một mức độ nào đó, bởi sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ. 

Cùng với đó, ông Julian Evans-Pritchard nói rằng thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã thực sự tăng trưởng trong năm qua. Điều này cho thấy sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc kém rõ rệt hơn so với các nước khác.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phương Tây đang thấy ngày càng khó làm ăn trong một môi trường không chắc chắn. Một số doanh nghiệp đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mặc dù con số này chưa đủ lớn để cho thấy những tác động rõ rệt trong các số liệu về tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Evans-Pritchard lưu ý rằng các mức thuế này càng tồn tại lâu, điều này càng kéo dài, thì khả năng nhiều công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc ngày càng lớn. Điều đó khiến cho Trung Quốc trở thành một địa điểm đầu tư kém hấp dẫn hơn.

Theo khảo sát năm 2019 của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, 65% thành viên cho biết, căng thẳng thương mại đang ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh dài hạn của họ. Gần 1/4 số người được hỏi cho biết họ đang trì hoãn đầu tư vào Trung Quốc.

Trong khi đó, dịch tả lợn cũng tạo thêm lực cản cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua. Trung Quốc, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, đã chiến đấu để kiểm soát dịch bệnh này. Sự thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá thịt lợn tăng vọt 46,7% trong tháng Tám so với một năm trước đó và đánh thẳng vào thu nhập hộ gia đình.

Thịt lợn là một trong những mặt hàng thực phẩm chủ yếu của Trung Quốc và chiếm hơn 60% lượng thịt tiêu thụ của nước này.

Ông Evans-Pritchard lưu ý: "Điều khiến tôi lo lắng là dường như họ chưa kiểm soát được dịch bệnh này. Kho thịt lợn vẫn đang giảm. Ở giai đoạn này, lạm phát giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng trên 80% so với cùng kỳ trong vòng 6 tháng tới"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục