Động thái có thể thúc đẩy Nhật Bản dừng chính sách lãi suất âm

07:48' - 16/03/2024
BNEWS Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) ngày 15/3 thông báo các công ty lớn nhất nước này nhất trí tăng 5,28% lương cho người lao động, mức tăng lương cao nhất trong 33 năm tại nước này.

Quyết định tăng lương nhiều khả năng sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm kéo dài 8 năm qua tại cuộc họp vào ngày 18-19/3 tới. Giới chức ngân hàng nhấn mạnh việc điều chỉnh lãi suất sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán tiền lương năm nay.

 

Trước đó, Rengo cho biết lao động tại các công ty lớn đề xuất tăng lương cơ bản 5,85%/năm, vượt mốc 5% lần đầu tiên trong 30 năm. Nghiệp đoàn đại diện cho khoảng 7 triệu người lao động này lại đặt mục tiêu "nhẹ nhàng" hơn là tăng 3%. Giới phân tích dự báo về mức tăng hơn 4% - cũng là mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990, sau khi các công ty lớn quyết định tăng lương 3,6% vào năm ngoái.

Về phần mình, các nhà hoạch định chính sách hy vọng việc tăng mạnh lương sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế bền vững hơn. Cuối năm ngoái, kinh tế Nhật Bản gần rơi vào suy thoái.

Chính phủ Nhật Bản cũng mong muốn đợt tăng lương lần này sẽ tác động phần nào đến các công ty vừa và nhỏ, vốn chiếm 99,7% tổng số công ty và khoảng 70% lực lượng lao động. Đa số các công ty nhỏ hơn dự kiến kết thúc các cuộc đàm phán về lương vào cuối tháng Ba này.

Các công ty Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng do dân số già hóa và lực lượng lao động sụt giảm. Nhiều công ty Nhật Bản quyết định tăng lương cho người lao động, song mức lương tăng vẫn không đủ để bắt kịp lạm phát. Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đến nay đã giảm 22 tháng liên tục.

Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang thúc đẩy các công ty tăng lương để giúp kinh tế khỏi tình trạng giảm phát, chấm dứt tình trạng mức tăng lương tại Nhật Bản thấp hơn so với trung bình các nước thành viên khác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết nền kinh tế nước này đã thoát khỏi suy thoái, nhờ GDP sau điều chỉnh theo lạm phát trong quý IV/2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo trước đó, GDP của Nhật Bản giảm 0,4%, khiến nước này đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới đã duy trì trong hơn một thập kỷ.

Trong quý cuối năm ngoái, GDP được điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản tăng 0,1% so với quý trước đó, trong khi được dự báo giảm 0,1%.

Chính phủ Nhật Bản vẫn đánh giá nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ vừa phải. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh do giá hàng hóa ngày càng tăng cao đã gây sức ép lên các hộ gia đình. Tiêu dùng cá nhân, đóng góp hơn một nửa quy mô nền kinh tế nước này, giảm 0,3%, so với mức giảm 0,2% theo báo cáo trước. Mặt khác, chi phí vốn cũng đã tăng 2%, được điều chỉnh tăng từ mức giảm 0,1%.

Các nhà kinh tế đang theo dõi chặt chẽ đầu tư tiền mặt của các công ty Nhật Bản vào thiết bị nhằm tăng sản lượng, cũng như việc tự động hóa và các công nghệ liên quan để đối phó với tình trạng thiếu lao động.

Nhu cầu trong nước mạnh mẽ là chìa khóa để BoJ đạt được mục tiêu lạm phát 2%, ngoài việc tiền lương tăng. Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng BoJ cần điều chỉnh chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ đã duy trì nhiều năm nhằm đạt được mục tiêu trên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục