Doanh nghiệp đề xuất giải pháp phục hồi kinh tế

15:23' - 02/06/2020
BNEWS Tháng 4/2020, đã có 154 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội gửi đến 15 bộ, ngành, địa phương; tăng 146 kiến nghị so với tháng 3/2020,liên quan tới những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ
 
Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp phục hồi kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN 

Theo tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tháng 4/2020, VCCI thống kê có 154 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến 15 bộ, ngành, địa phương; tăng 146 kiến nghị so với tháng 3/2020.

Nguyên nhân dẫn tới kiến nghị doanh nghiệp tăng nhiều trong tháng này là do doanh nghiệp phản ánh những khó khăn vướng mắc dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch COVID-19.

Bộ Tài chính là cơ quan nhận được nhiều kiến nghị nhất trong tháng, với 46 kiến nghị. Tiếp đó là Ngân hàng Nhà nước có 29 kiến nghị. Bộ Lao động - Thương binh Xã hội nhận được 17 kiến nghị; Bộ Công Thương nhận được 11 kiến nghị; Bộ Giao thông Vận tải nhận được 10 kiến nghị, Bộ Thông tin truyền thông nhận được 8 kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 5 kiến nghị của doanh  nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.…..

Nội dung cơ bản của các kiến nghị hầu như đều đề xuất những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm chi phí, giãn nộp thuế để vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 trong lĩnh vực vận tải, bất động sản...

Đồng thời, gia hạn thời hạn nội thuế và tiền thuê đất; sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do bị khống chế tổng mức lãi vay theo dự thảo sửa đổi Nghị định; sửa đổi  Luật số 71/2014/QH13 ban hành ngày 26/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất từ 0% - 5%.

Ngoài ra, các địa phương nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất về giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc; không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020. Cùng đó, khoanh nợ cũ, cho vay mới, hỗ trợ lãi suất ở mức thấp nhất từ các ngân hàng chính sách để trả 50% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Đồng thời, gia hạn thời gian nộp phí công đoàn; áp dụng giá nhiên liệu theo giá tạm nhập tái xuất cho cả hai tuyến vận chuyển bằng đường biển, đường thủy hoặc bỏ phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp vận tải.

Ngoài ra, giảm các chi phí dịch vụ tại cảng cho các lô hàng xuất nhập khẩu; miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động; hướng dẫn thủ tục, quy trình hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19….

Mặc dù, tỷ lệ kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp tăng cao song cũng trong tháng 4, VCCI mới chỉ nhận được 13 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp từ phía 9 bộ, ngành, địa phương.

Nguyên nhân trả lời kiến nghị doanh nghiệp còn chậm và giảm thấp hơn so với tháng trước là do trong tháng 4 các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các văn bản trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương tương đối kịp thời, sát thực tiễn và cơ bản đáp ứng yêu cầu của hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục