Doanh nghiệp kiến nghị tăng lao động được làm việc

20:02' - 30/09/2021
BNEWS Chiều 30/9, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh đã đối thoại trực tuyến với 136 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do dịch COVID-19 và tiếp tục chương trình đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn, chiều 30/9, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh đã đối thoại trực tuyến với 136 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc về những thuận lợi, khó khăn và những kiến nghị phục hồi sản xuất thời gian tới.

Đường Nguyễn Trung Trực (Phường 2, Thành phố Tân An, tỉnh Long An) sau khi nới lỏng giãn cách. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN

Các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến các điều kiện để quay trở lại sản xuất trong thời gian sớm nhất. Công ty TNHH Avery Dennison Ris Việt Nam là một trong những doanh nghiệp kiên trì vượt khó, sản xuất từ khi có dịch bệnh đến nay, đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ “3 tại chỗ” đến “4 tại chỗ”.

Năm 2020, doanh nghiệp là 1 trong 10 doanh nghiệp trong cả nước được vinh danh là doanh nghiệp phòng chống dịch tốt. Đại diện công ty cho biết, doanh nghiệp có tổng số 3.400 lao động, năm 2020 đạt doanh số 200 triệu USD, nộp ngân sách 600 tỷ đồng. Dự kiến doanh số trong năm 2021 là 270 triệu USD, nhưng dịch bệnh gây khó khăn khổng nhỏ trong việc thực hiện kế hoạch đề ra.

Thời gian qua, công ty vận hành liên tục theo quy định áp dụng "3 tại chỗ" với 1.450 lao động và chưa phát hiện ca mắc COVID-19 nào trong quá trình vận hành. Công ty áp dụng đầy đủ các giải pháp chống dịch, đặc biệt thường xuyên xét nghiệm cho công nhân lao động… Khoảng thời gian tháng 11 đến tháng 12 là đỉnh điểm đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm, doanh nghiệp kiến nghị tăng thêm 600 lao động, chủ yếu là lao động chất lượng cao; trong đó, có 400 lao động ở Tp. Hồ Chí Minh.

Công nhân lao động rất vui vì vẫn có công việc và thu nhập nhưng đã ở lại công ty 3 tháng và mong muốn được về thăm gia đình. Đối với những trường hợp này, công ty không chỉ lo xét nghiệm thường xuyên cho lao động mà còn xét nghiệm cho các thành viên trong gia đình lao động… nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất.

Đại diện Công ty TNHH Túi Xách Simone cho biết, công ty có 1.400 công nhân ở địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, đa số ở trọ và không có việc làm 3 tháng nay. Công ty mong muốn Long An và Tp. Hồ Chí Minh nhanh chóng có chính sách để số lao động này có thể đến công ty làm việc. Về tiêm vaccine, hầu hết lao động đã tiêm mũi 1, nhưng chưa ai đủ thời gian 8 tuần. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị giảm thời gian tiêm mũi 2 xuống thời gian tối thiểu của nhà sản xuất là 4 tuần để lao động nhanh chóng được tiêm vaccine. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kiến nghị đồng bộ quy trình giữa cấp tỉnh, huyện, xã trong chống dịch, tránh việc doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng công nhân không qua được chốt để đến nhà máy.

Theo Công ty TNHH Tazmo Việt Nam, chủ đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý và đa số lao động chất lượng cao của công ty đang mắc kẹt ở Tp. Hồ Chí Minh. Những người này đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và cần được ưu tiên đi làm việc.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, có doanh nghiệp 3 tháng không hoạt động vẫn phải đóng tiền nhà xưởng nên mong muốn Khu công nghiệp Long Hậu xem xét hỗ trợ tiền nhà xưởng. Đồng thời, đề xuất giảm tần suất và tỷ lệ xét nghiệm, nhanh chóng tiêm vaccine cho công nhân quay trở lại làm việc, có chính sách giữ chân lao động để tránh tình trạng thiếu lao động trầm trọng sau dịch…

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc Nguyễn Anh Đức cho biết, thời gian tới huyện tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo thông thoáng cho công nhân đi lại, chủ động tiêm vaccine nhanh chóng cho công nhân lao động.

Về việc hỗ trợ thuê nhà xưởng, văn phòng, ông Trần Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp có ý kiến này. Đơn vị đã tiếp thu và sẽ xem xét tính toán việc hỗ trợ. 

Trả lời những ý kiến và thắc mắc của các doanh nghiệp, Bí thư Nguyễn Văn Được khẳng định, ngay từ đầu chiến lược của Long An là ưu tiên tiêm vaccine cho lao động phục vụ sản xuất, tiếp đến là người già trên 65 tuổi. Một số nguyên nhân khiến việc tiêm vaccine chậm là do ban đầu vaccine khan hiếm, nhưng khi có vaccine lại là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội...

Ông Nguyễn Văn Được cho biết, sắp tới tỉnh sẽ được cấp thêm 400.000 liều vaccine và tất cả công nhân lao động sẽ được tiêm mũi 2 chậm nhất vào giữa tháng 10/2021. Doanh nghiệp lập danh sách lao động gửi về địa phương và tỉnh sẽ phân bổ nhanh chóng. Đối với lao động doanh nghiệp tuyển mới chưa được tiêm vaccine, tỉnh cũng sẽ dành vaccine tiêm cho các trường hợp này.

Ông Nguyễn Văn Được đánh giá cao các doanh nghiệp thực hiện tốt việc phòng, chống dịch thời gian qua, nhưng vẫn duy trì sản xuất qua mùa dịch; đồng thời, đồng tình với những đề xuất tăng cường mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp. Kế hoạch số 2962/KH-UBND của UBND tỉnh về phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy định, lao động tiêm 1 mũi vaccine được đi phương tiện cá nhân trong huyện, 2 mũi đi lại trong tỉnh, 1 mũi đi giữa các huyện phải có xe đưa đón…

Theo ông Nguyễn Văn Được, vấn đề đi lại của chuyên gia, lãnh đạo, người lao động của doanh nghiệp không phải do Long An quyết định mà là vấn đề liên vùng và các tỉnh, thành phố chưa thống nhất. Đối với các trường hợp này, doanh nghiệp làm giấy đề xuất và Long An sẽ làm việc với Tp. Hồ Chí Minh. Đây là giải pháp tạm thời trong khi chờ Tp. Hồ Chí Minh dự thảo thống nhất việc đi lại chung trong vùng gồm các tỉnh, thành phố: Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục