Doanh nghiệp Mỹ phản đối phán quyết truy thu thuế của EC đối với Apple

12:49' - 17/09/2016
BNEWS Nhóm đối thoại doanh nghiệp đã lên tiếng bảo vệ Apple trước phán quyết truy thu thuế của Apple do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hồi cuối tháng Tám.
Doanh nghiệp Mỹ phản đối phán quyết truy thu thuế của EC đối với Apple. Ảnh: Reuters

Nhóm các tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp của Mỹ ngày 16/9 đã gửi thư ngỏ đến lãnh đạo của 28 nước trong Liên minh châu Âu (EU) với lời cảnh báo Brussels sẽ "tự làm khó mình" nếu như cứ khăng khăng với quyết định yêu cầu hãng Apple nộp số tiền truy thu thuế 13 tỷ euro cho Chính phủ Ireland.

Nhóm đối thoại doanh nghiệp đã lên tiếng bảo vệ Apple trước phán quyết truy thu thuế của Apple do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hồi cuối tháng Tám.

EC cho rằng Apple đã được hưởng một chế độ ưu đãi thuế không hợp lệ trong khoảng thời gian từ 1991-2015. Phán quyết này được đưa ra nhằm buộc các công ty đa quốc gia đóng thêm thuế và ngăn chặn chính phủ các nước cạnh tranh bằng cách cho những công ty này chế độ đãi ngộ đặc biệt.

Nhóm các tổng giám đốc Mỹ, những người đang quản lý tổng số vốn là 7.000 tỷ USD với 16 triệu nhân viên, cho rằng quyết định của EC là " không thể được", và việc này sẽ là tiền lệ dẫn đến việc gia tăng bất ổn về thuế và có tác động tiêu cực đến các đầu tư nước ngoài tại châu Âu.

Nhóm này lập luận, việc bắt nộp truy thu thuế kiểu này khiến các nước không thuộc EU nghĩ các công ty nước ngoài đang hoạt động tại EU có thể sẽ bị thu giữ tài sản khi chính phủ các nước EU muốn tăng thêm nguồn thu ngân sách hoặc muốn trừng phạt các nhà đầu tư nước ngoài là đối thủ của mình.

Nhóm đối thoại doanh nghiệp Mỹ gồm 185 các tổng giám đốc cho rằng EU nên tuân theo những thỏa thuận về thuế đã ký năm 1991.

Thư ngỏ của Nhóm cũng được gửi đến Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng lên tiếng về vấn đề này.

Các doanh nghiệp Mỹ cho rằng quyết định của EC sẽ làm gia tăng bất ổn về thuế, nếu EU không thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thương mại và đầu tư của các nước trong EU và người dân EU cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bức thư kêu gọi các nước thành viên EU chấm dứt việc điều tra cái gọi là "sự giúp đỡ của các chính phủ" ám chỉ những ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài vì điều này làm cản trở tăng trưởng kinh tế do các hoạt động đầu tư xuyên quốc gia bị ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp Mỹ trước đây cũng từng lên tiếng cảnh báo về cảm nhận châu Âu đang thực thi chủ nghĩa bảo hộ dưới một hình thức mới bằng việc điều tra thuế đối với các công ty của Mỹ như Starbucks, McDonald’s và Amzon.

EC ra phán quyết phản đối mức thuế Ireland đã ký với Apple tối đa chỉ là 1%. Năm 2014 Apple chỉ nộp mức thuế là 0,005%, trong khi mức thuế thông thường áp cho các công ty tại Ireland là 12,5%. EC cho biết thỏa thuận về thuế Ireland đối với Apple giai đoạn 1991-2015 là cho phép công ty này tính doanh số bán hàng vào " trụ sở chính" - nơi chỉ tồn tại trên giấy tờ và không thể tạo ra được lợi nhuận như vậy.

Kết quả là Apple đã tránh nộp thuế được gần hết những lợi nhuận họ thu được từ nhiều tỷ euro doanh thu từ việc bán các sản phẩm iPhone các các sản phẩm khác trên toàn EU. Tại thị trường EU, Apple chọn nộp thuế tại Ireland chứ không phải ở nước họ bán sản phẩm.

Đối với Ireland, điều này có nghĩa họ sẽ mất đi lợi thế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và phản ứng giận dữ vì cho rằng đang bị can thiệp vào quyền được tự áp dụng mức thuế. Kể cả lợi ích từ việc thu thêm được nhiều thuế cũng không làm Chính phủ Ireland hài lòng.

EC đang phải đối diện với những đối thủ đầy thế lực và có thể sẽ rơi vào tranh chấp pháp lý và căng thẳng về ngoại giao trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, EC tin rằng việc làm của họ sẽ nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng từ khối cộng đồng chung châu Âu.

>>> Mỹ sẽ siết chặt quy định về thuế với các doanh nghiệp

>>> Án phạt của Apple làm tổn hại quan hệ Mỹ - EU

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục