Doanh nghiệp thương mại điện tử làm gì để tạo lợi thế cạnh tranh?

15:46' - 02/06/2020
BNEWS Trong cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nền tảng tín nhiệm không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần giúp doanh nghiệp mở cửa thi trường thương mại điện tử.

Xây dựng nền tảng tín nhiệm là chìa khóa mở cửa thị trường thương mại điện tử - đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 2/6.

Theo thống kê, quy mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng lớn, với tốc độ tăng trưởng từ 4 tỷ USD lên 8 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2018, trung bình tăng 30 - 40%/năm.

Ước tính có gần 40 triệu thuê bao di dộng, người truy cập mạng internet và sử dụng thiết bị di động thông minh đã tham gia thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang cho biết, cùng với xu hướng chuyển dịch thị trường, thương mại điện tử trở thành phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thương mại điện tử giúp tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công và quảng cáo, tiếp cận tới khách hàng; tăng tiếp cận thị trường đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng, đặc biệt là thời gian thực hiện giao dịch thương mại điện tử không giới hạn đối với tất cả khách hàng...

Công bố của website tìm kiếm và so sánh giá iPrice Group và Công ty đo lường Similar Web cho thấy, trong Quý I/2020, Shopee Việt Nam có 43,16 triệu lượt truy cập, thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến, tăng mạnh so với cùng kỳ, vượt xa các doanh nghiệp thương mại truyền thống đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Tuy nhiên, cũng có những website thương mại điện tử lại giảm như Sen đỏ và Lazada Việt Nam lần lượt là 9,6 triệu lượt và 7,3 triệu lượt.

Theo nhận định của Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và việc tham gia thương mại điện tử có làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khung pháp lý và chính sách, nguồn nhân lực và một yếu tố quan trọng là niềm tin, sự tín nhiệm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, trong khi thương mại điện tử được hiểu là các giao dịch tài chính và thương mại bằng phương tiện điện tử thông qua trao đổi dữ liệu điện tử, chuyển tiền điện tử hoặc các hoạt động gửi rút tiền bằng thẻ điện tử thì tại Việt Nam, hình thức giao hàng thu tiền vẫn đang chiếm tới 90% thanh toán giao dịch thương mại điện tử hiện nay.

Điều này cho thấy, người mua cho thực sự đặt niềm tin vào người bán, về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, giá cả hàng hóa...

Đưa ra ví dụ đối với Amazon, website này không chạy quảng cáo để tăng số lượng truy cập, thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến nhưng vẫn có rất nhiều người lựa chọn mua sắm.

Thậm chí, đây trở thành địa chỉ để tham khảo giá, kiểm tra thông tin hàng hóa. Bởi Amazon cho phép đánh giá cả tín nhiệm của người mua, uy tín của người bán công khai; từ đó người nào làm tốt được xếp lên trên, người làm kém bị loại bỏ. 

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, để nâng cao lợi thế cạnh tranh, theo ông Lê Đức Anh, các doanh nghiệp này phải xây dựng được nền tảng tín nhiệm trong thương mại điện tử.

Nền tảng này dựa trên vòng tròn đánh giá tín nhiệm cá nhân (người mua) và đánh giá uy tín website, doanh nghiệp (người bán).

 

Theo đó, dựa trên việc sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao dịch bảo đảm uy tín, từ xác thực thông tin, xử lý tranh chấp, khiếu nại, chất lượng dịch vụ giao hàng, phát triển sản xuất trong nước, giải pháp thúc đẩy thị trường, phát triển thanh toán bảo đảm.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cho thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường hệ thống bảo mật, an toàn thông tin cho thương mại điện tử; có chính sách khuyến khích liên kết, hợp tác chủ thẻ và nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ... nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia có hiệu quả vào thương mại điện tử; từ đó nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục