Doanh nhân trẻ hiến kế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Tp. Hồ Chí Minh

14:18' - 26/03/2021
BNEWS Đội ngũ doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những giải pháp hiến kế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Với tâm thế vừa kinh doanh vừa cống hiến cho thành phố, vừa qua, trong buổi đối thoại với Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh, đội ngũ doanh nhân trẻ thành phố đưa ra những giải pháp hiến kế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; trong đó, đội ngũ doanh nhân đã tập trung bàn về chiến lược phát triển kinh tế, chuyển đổi số, nguồn nhân lực...

*Bám sát mục tiêu tăng trưởng

Trong chiến lược phát triển kinh tế, Tp. Hồ chí Minh đã đưa ra định hướng với những mục tiêu tăng trưởng cụ thể như đến năm năm 2025, thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Tp. Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tp. Hồ Chí Minh cũng sẽ đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD.

Còn mục tiêu đến năm 2030, Tp. Hồ Chí Minh sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại; thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. GRDP bình quân đầu người sẽ khoảng 13.000 USD, Tp. Hồ Chí Minh hướng đến là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Riêng tầm nhìn đến năm 2045, Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người sẽ khoảng 37.000 USD và là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Để bám sát những định hướng, mục tiêu này, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Tp. Hồ Chí Minh (YBA) cho biết, là đội ngũ doanh nhân nồng cốt của thành phố, YBA luôn trăn trở làm sao để kinh tế thành phố phục hồi và tăng tốc sau dịch COVID-19, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao và số hóa trong doanh nghiệp từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh; trong đó, YBA tập trung những giải pháp tạo điều kiện cho để doanh nhân trẻ cùng tham gia đóng góp thiết thực và kịp thời vào các chương trình trọng tâm của thành phố.

Theo ông Phạm Phú Trường, đã là doanh nhân, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải không ngừng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, năng cao nâng suất lao động và tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ. Một khi doanh nghiệp chú trọng đổi mới sáng tạo, quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ... sẽ có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, từ đó góp phần lan tỏa ra xã hội, phát triển lực lượng lao động tay nghề cao, giàu chất xám, tri thức.

Điển hình, Tp. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số, nên doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngay từ bây giờ, nhất là chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.  Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phải mạnh dạn đổi mới, có khát vọng vươn lên, dám dấn thân... mới tạo sự khác biệt và độc đáo trong từng sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, đây cũng là một trong những con đường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và thành công trên thương trường thế giới.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), đánh giá trước khúc quanh thời cuộc bởi những biến động sâu sắc, làm đất nước đứng trước nhiền bất trắc thì những động cơ bứt phá thiên về số lượng và chiều rộng trước đây đã hết đà và những động cơ mới đang dần định hình rõ nét. Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân đang cần khẳng định vai trò nồng cốt để đóng góp vào mục tiêu phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính, đô thị hóa, dịch vụ (y tế, giáo dục...).

Đối với Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, dư địa cải cách và cải thiện còn nhiều trong việc tận dụng cơ chế hiện có và đề xuất cơ chế mới để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và đội ngũ doanh nhân cần thúc đẩy liên kết vùng Đông và Tây Nam Bộ, nhằm tập trung nguồn lực doanh nhân, phát huy vai trò then chốt của khu vực tư nhân.

*Giải pháp về cơ chế chính sách

Theo một số doanh nghiệp, hậu COVID-19, đời sống thay đổi và thu nhập người dân bị tác động với xu hướng giảm. Điều này đòi hỏi chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đào tạo để thích ứng với dịch bệnh và đổi mới phương pháp giảng dạy.  trong đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích đơn vị giáo dục, đào tạo ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số với những chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến.

Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty TalentNet cho hay, Tp. Hồ Chí Minh cần bám sát và tập trung vào những ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế; từ đó mới xác định những kỹ năng, chuyên môn phục vụ tốt nhất cho những ngành này. Khi nhà đầu tư đến thành phố sẽ nhìn thấy nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao, bên cạnh những điều kiện khác thì sẽ bị thu hút hơn.

Mặt khác, Tp. Hồ Chí Minh nên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị giáo dục, đào tạo, thực hiện định hướng đầu vào - đầu ra phục vụ cho chiến lược phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn. Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh phát huy vai trò liên kết đơn vị giáo dục, đào tạo với doanh nghiệp để đồng hành và có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Còn ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam cho rằng, với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số là một trong những lĩnh vực mới, nên một số cơ quan quản lý ngành còn "lúng túng" trong việc cấp duyệt. Do đó, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh nên trở thành đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với bộ, ngành để thúc đẩy cơ chế chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Về vấn đề khởi nghiệp không còn xa lạ, nhưng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đang rất cần có cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đầu ngành, doanh nhân lớn đầu tư vào khởi nghiệp. Khi doanh nghiệp đầu ngành, doanh nhân lớn cùng đồng hành với cộng đồng khởi nghiệp mới hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp, gọi vốn, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo...

Ghi nhận thực tế ở lĩnh vực logistics, là một trong những ngành mũi nhọn của Tp. Hồ Chí Minh, không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà thị trường nội địa. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh cần sớm giải quyết vấn đề nội tại trong quy hoạch, thay đổi tư duy các trung tâm logistics phải đi theo các cảng để giải quyết nhu cầu thị trường trong nước. Đồng thời, hiện tại các doanh nghiệp logistics, không có cách nào để tiếp cận quỹ đất và phải chi rất nhiều tiền để phục vụ chiến lược phát triển.

Ông Trần Thái Sơn, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc điều hành Tiki.vn, để làm được thương mại điện tử thì doanh nghiệp cũng phải kinh doanh bán lẻ, nên lĩnh vực logistics cũng là lĩnh vực quan tâm hàng đầu đối với thương mại điện tử. Nhu cầu người dân sử dụng thương mại mại điện tử ngày càng tăng, nhất là thị trường Tp. Hồ Chí Minh luôn gấp đôi, gấp ba cả nước.

Với tốc độ phát triển 20-30% của thương mại điện tử, Tp. Hồ Chí Minh cần quy hoạch tập trung kho bãi, quy hoạch hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giải quyết vấn đề giao nhận, tối ưu giao hàng trăm đơn hàng theo tuyến và thậm chí chỉ cần một chuyến xe. Tp. Hồ Chí Minh cũng chú trọng nghiên cứu cơ chế chính sách cho đa dạng loại hình giao thông như xe điện để giảm tình trạng quá tải cho hạ tầng giao thông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục