“Đòn bẩy” thể chế cho bất động sản
Trong nhiều năm qua, những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý đã trở thành “điểm nghẽn” kéo dài. Bởi thế, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 68) về phát triển kinh tế tư nhân đã mang lại hy vọng về một cuộc cải cách mạnh mẽ cho thị trường bất động sản, được doanh nghiệp đặt nhiều niềm tin.
Việc rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý từ 3-4 năm xuống còn 2-3 năm, giảm thiểu chi phí và lãng phí cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp… chính là “cú hích” quan trọng để bất động sản Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững.
Nhận định chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản, Nghị quyết 68 là văn bản mang tính toàn diện, đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Bởi Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án đang chậm tiến độ mà còn mở ra cơ hội khai thác nguồn lực đất đai đang bị lãng phí, bao gồm đất công chưa sử dụng và các khu đất đang trong tình trạng tranh chấp.
Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, Nghị quyết 68 sẽ tạo ra bước đột phá mạnh mẽ cho lĩnh vực đất đai. Các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, kết nối với các hệ thống quốc gia sẽ tăng tính minh bạch, đẩy nhanh khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và tháo gỡ cho hàng nghìn dự án đang ách tắc.
Đáng chú ý, Nghị quyết 68 đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ rà soát và loại bỏ các quy định kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh. Đây là bước tiến quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu xây dựng cơ chế kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
“Điều này nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, tạo khan hiếm giả và thao túng giá, góp phần ổn định niềm tin của nhà đầu tư và người dân, thu hút dòng vốn trở lại thị trường” – ông Khôi nhận xét.
Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 68 thu hút sự quan tâm là việc cho phép địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp, thay vì để doanh nghiệp tự gánh toàn bộ chi phí như trước. Đổi lại, chủ đầu tư hạ tầng buộc phải dành một phần quỹ đất đã hoàn thiện hạ tầng để phục vụ nhóm doanh nghiệp mục tiêu, gồm doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tỷ lệ đất dành riêng phải đạt tối thiểu 20 ha hoặc 5% tổng diện tích đất sau đầu tư hạ tầng, tùy theo điều kiện thực tế từng địa phương, nhưng không được thấp hơn ngưỡng tối thiểu này. Như vậy, chủ đầu tư không còn quyền tự do cho thuê toàn bộ khu đất cho các bên có khả năng chi trả cao hơn mà buộc phải "giữ chỗ" cho nhóm doanh nghiệp mục tiêu đang rất cần không gian sản xuất.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong 5 năm đầu cho các đối tượng này, đồng thời hỗ trợ hạ tầng thiết yếu như mặt bằng sạch, điện, nước, giao thông, thông tin và thủ tục hành chính, nhằm giảm chi phí không chính thức và giúp doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, nghiên cứu.
Thống kê từ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chỉ rõ, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với đất đai nằm trong các khu, cụm công nghiệp hiện rất thấp, chỉ khoảng 3% ở nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, 8% ở doanh nghiệp nhỏ và gần 19% ở doanh nghiệp vừa, thấp hơn đáng kể so với con số 35% của các doanh nghiệp quy mô lớn. Trong khi đó, nhu cầu thuê đất trong khu, cụm công nghiệp của nhóm doanh nghiệp này lại đang rất lớn.
Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vẫn đang tận dụng đất trong khu dân cư, thuê nhà ở làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Thực tế, việc thuê lại trong các khu, cụm công nghiệp của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế vì quy mô các khu đất cho thuê theo quy hoạch xây dựng chi tiết khu, cụm công nghiệp thường không phù hợp với khả năng chi trả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiến sỹ Trần Xuân Lượng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, nếu Nghị quyết 68 được triển khai đồng bộ và thực chất sẽ không chỉ là đòn bẩy tháo gỡ điểm nghẽn mặt bằng sản xuất, mà còn góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp mang tính bền vững và nội lực. Nghị quyết sẽ tạo điều kiện nuôi dưỡng doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và startup công nghệ. Khi được hỗ trợ về đất đai, hạ tầng và chi phí ban đầu, các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội vượt qua rào cản gia nhập thị trường, từ đó hình thành lực lượng sản xuất mới cho nền kinh tế số.
Theo ông Trương Khắc Nguyên Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Prodezi Long An, một trong những điểm nổi bật trong Nghị quyết 68 là ưu đãi dành cho khu công nghiệp sinh thái - mô hình đang dần trở thành chuẩn mực trong quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh. Các ưu đãi tài chính - thuế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, R&D (nghiên cứu và phát triển) và phát triển hạ tầng dành cho khu công nghiệp sinh thái là đòn bẩy then chốt.
“Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái có thể được giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu, đồng thời được ưu tiên tiếp cận vốn tín dụng và khấu trừ chi phí R&D lên tới 200%. Nghị quyết 68 góp phần tạo “lực đẩy kép” khi vừa thúc đẩy nhà đầu tư chuyển đổi mô hình, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp xanh quốc tế” – ông Minh phân tích.
Như Công ty cổ phần Prodezi Long An đang hướng tới mô hình khu công nghiệp đa chức năng, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế nước, xây dựng tòa nhà xanh và ứng dụng công nghệ giảm phát thải. Đây không chỉ là đáp ứng chính sách, mà còn là nhu cầu sống còn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest đánh giá, Nghị quyết 68 là “liều thuốc” đem lại niềm tin cho doanh nghiệp. Những va vấp trong quá trình thực hiện dự án sẽ không bị hình sự hóa nếu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Cơ chế giải quyết tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp thay vì phải "xin - cho", giúp rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục.
Việc thể chế hóa Nghị quyết 68 đang trở thành yêu cầu cấp thiết, vừa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, vừa đáp ứng kỳ vọng thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2025, toàn bộ công tác thể chế hóa phải cơ bản hoàn tất. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là giai đoạn phát huy nguồn lực, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Tin liên quan
-
Ngân hàng
Nhiều dự án bất động sản nguy cơ “đắp chiếu” vì nợ xấu
16:27' - 27/05/2025
Nhiều dự án bất động sản dở dang sẽ tiếp tục “đắp chiếu” nếu không có giải pháp tổng thể và mang tính đột phá.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: Xử lý nghiêm tạo giá ảo, lũng loạn thị trường bất động sản
19:05' - 24/05/2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý nghiêm đầu cơ, tạo giá ảo, thao túng, lũng loạn thị trường bất động sản; yêu cầu tăng cung, giảm giá, đảm bảo người dân tiếp cận nhà ở công bằng, bền vững.
-
Bất động sản
Còn nhiều dư địa phát triển bất động sản công nghiệp
12:50' - 23/05/2025
Nhu cầu về kho xưởng xây sẵn sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Tin cùng chuyên mục
-
Bất động sản
Xây dựng bảng giá đất hài hòa lợi ích các bên liên quan
18:15'
Giá đất tăng, nghĩa vụ tài chính tăng đang dẫn đến rất nhiều bất cập trên thị trường với cả doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
-
Bất động sản
Quy định mới thúc đẩy thị trường nhà cho thuê tại Trung Quốc
07:00'
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) vừa ký sắc lệnh công bố các quy định mới nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của thị trường cho thuê nhà ở tại quốc gia tỷ dân.
-
Bất động sản
Đồng Tháp giảm 54% thời gian giải quyết thủ tục cho dự án nhà ở xã hội
13:49' - 21/07/2025
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo sở, ngành và địa phương tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội đang triển khai thực hiện trên địa bàn.
-
Bất động sản
Dòng tiền dịch chuyển, niềm tin trở lại với thị trường bất động sản
11:34' - 21/07/2025
Nhu cầu nhà ở vẫn cao, tâm lý nhà đầu tư phục hồi trong bối cảnh pháp lý được tháo gỡ, hạ tầng được đầu tư, lãi suất duy trì ở mức thấp… là những yếu tố hỗ trợ vững chắc cho thị trường thời gian tới.
-
Bất động sản
Bắc Ninh tăng tốc phát triển nhà ở xã hội: Hướng tới mục tiêu 135.000 căn hộ
09:03' - 20/07/2025
Triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, Bắc Ninh đang đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hướng tới mục tiêu hoàn thành 135.000 căn đến năm 2030.
-
Bất động sản
Triển vọng kém sáng của thị trường nhà ở Mỹ
07:59' - 19/07/2025
Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số lượng nhà ở đơn lập được khởi công – vốn chiếm phần lớn hoạt động xây dựng nhà – đã giảm 4,6% xuống mức 883.000 căn trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024.
-
Bất động sản
Bất động sản khởi sắc nhờ “trợ lực” pháp lý
14:48' - 17/07/2025
“Trợ lực” pháp lý chính là một trong những động lực mạnh mẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và khởi sắc để hướng tới tăng trưởng trong thời gian tới.
-
Bất động sản
Đặc khu Phú Quốc trên hành trình trở thành đô thị số
17:26' - 16/07/2025
Phú Quốc - “đảo Ngọc” của tỉnh An Giang và cả nước đang triển khai các giải pháp công nghệ trọng tâm nhằm hướng đến đô thị thông minh, đô thị biển đảo độc đáo, đẳng cấp quốc tế.
-
Bất động sản
Hưởng lợi kép khi chọn nhà phố, biệt thự Kim Ngân 2, đô thị Sun Group Nam Hà Nội
15:00' - 16/07/2025
Sun Property vốn đã thành công với các dự án đô thị tại Hạ Long, Thanh Hóa…, đang tiếp tục kiến tạo phân khu Kim Ngân 2 ngay trục đại lộ lễ hội, trong lòng đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City.