Đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo

17:52' - 10/03/2023
BNEWS Thị trường dành cho người Hồi giáo được đánh giá vô cùng tiềm năng, nhất là về 3 lĩnh vực: thực phẩm, du lịch và thời trang...

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, chiều 10/3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Hội thảo "Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp cận các quốc gia Hồi Giáo".

Hội thảo đã cung cấp thông tin thị trường và các yêu cầu tiếp cận thị trường Hồi giáo đến cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhận biết tiêu chuẩn để các sản phẩm của vùng đạt chuẩn Halal, nắm rõ các quy trình sản xuất và kiểm định sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal và điều kiện để được cấp chứng nhận Halal.

Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh giao thương tại các nước trong khu vực Hồi giáo; tạo cơ hội phát triển ứng dụng các tiêu chuẩn mới trong hệ sinh thái và chuỗi cung ứng.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng bày tỏ những khó khăn trong việc xây các sản phẩm để được cấp giấy chứng nhận Halal- một trong những rào cảnlớn nhất để doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường này.

Trong số đó, các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất về vấn đề chí phí, đơn vị tư vấn uy tín – chất lượng,... để sản phẩm đủ điều kiện cơ bản đạt chứng nhận Halal và được "thông hành" thật sự sang các quốc gia Hồi giáo.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng băn khoăn về việc có quá nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất, làm tăng sự phức tạp và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt.

Một số doanh nghiệp đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal; cung cấp thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo, các đơn vị, tổ chức chứng nhận Halal có uy tín để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường Halal của doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Trước những trăn trở của các doanh nghiệp, ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Việt Nam Halal nhấn mạnh, thị trường dành cho người Hồi giáo là vô cùng tiềm năng, nhất là về 3 lĩnh vực: thực phẩm, du lịch và thời trang,...

 

Để có thể khai thác tốt nhất thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu và sản xuất sản phẩm tuân theo tiêu chuẩn về tôn giáo, văn hóa của người Hồi giáo. Không chỉ vậy, sản phẩm đòi hỏi sự an toàn, vệ sinh, chất lượng và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Điều đó có nghĩa là nguyên vật liệu, quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển phải tuân thủ những tiêu chí nhất định.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nào đã được cấp chứng chỉ đi kèm như HACCP hoặc ISO...  sẽ dễ dàng hơn trong việc được cấp chứng chỉ Halal.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tuấn, ước tính chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỉ USD của năm 2020 lên 1.900 tỉ USD vào năm 2030, và gần 5.000 tỉ USD vào năm 2050.

Thị trường thực phẩm Halal đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh ở khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông, châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ, tuy nhiên chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal.

Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển với các mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu như: Gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá..., cùng với lợi thế về vị trí, tiềm năng và sự phát triển an toàn, bền vững...

Nếu tận dụng và phát huy tốt các thế mạnh, Việt Nam sẽ ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và có chỗ đứng tại trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh nông nghiệp to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gao xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước.

Với tiềm năng nông nghiệp to lớn, Đồng bằng sông Cửu Long càng có cơ hội để tiếp cận với các thị trường Hồi giáo, thị trường tiềm năng với 57 quốc gia, đang chiếm 25% dân số thế giới, dự báo dân số các nước Hồi giáo sẽ chiếm 30% dân số thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục