Dòng vốn từ Trung Quốc đổ dồn về các công ty công nghệ sinh học Mỹ

16:21' - 01/11/2018
BNEWS Trong số các nhà đầu tư này có những cái tên từ 6 Dimensions Capital và Hillhouse Capital Group của Trung Quốc, đến Blue Pool Capital có trụ sở ở Hong Kong (quỹ đầu tư của các nhà lãnh đạo Alibaba).

Theo thống kê của PitchBook, tính trong nửa đầu năm nay, các nhà đầu tư châu Á đã đổ 4,2 tỷ USD vào các công ty công nghệ sinh học của Mỹ, chiếm 43% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học, tăng mạnh so với con số chỉ khoảng 11% năm 2016.

Trong số các nhà đầu tư này có những cái tên từ 6 Dimensions Capital và Hillhouse Capital Group của Trung Quốc, đến Blue Pool Capital có trụ sở ở Hong Kong (quỹ đầu tư của các nhà lãnh đạo Alibaba).

“Cơn cuồng” công nghệ sinh học của Trung Quốc xuất phát từ một kế hoạch mà chính phủ nước này đưa ra cách đây vài năm trong khuôn khổ chương trình “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”, với mục tiêu biến công nghệ sinh học thành một ngành mới nổi mang tính chiến lược, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Các nhà đầu tư còn có thêm động lực nhờ một thay đổi quy định mới đây ở sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Theo đó, các công ty công nghệ sinh học không có doanh thu hay lợi nhuận trên toàn thế giới giờ đây vẫn có thể được niêm yết trên sàn Hong Kong, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc có hứng thú với các công ty công nghệ sinh học.

Tại Mỹ, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã khiến quy mô các đợt gọi vốn của các công ty công nghệ sinh học “phình” to ra, đồng thời đẩy nhanh tốc độ gọi vốn của các công ty này. Đối với nhiều công ty, nguồn vốn từ Trung Quốc đã thổi một hơi thở mới vào các sản phẩm thuốc thí nghiệm hay các thiết bị vì nhiều lý do mà trước đó không còn được ưu tiên phát triển trong danh mục sản phẩm của công ty.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào các hợp đồng nhượng quyền để phát triển các sản phẩm thuốc mới thường phải trả giá cao cho thị trường thuốc kê đơn lớn thứ hai thế giới này. Nhu cầu lớn từ Trung Quốc đã khiến các khoản tiền trả trước cho các nhà sản xuất thuốc của Mỹ trong các hợp động chuyển nhượng tăng từ 1 hoặc 5 triệu USD thời điểm ba năm trước, lên 30 triệu USD hiện tại.

Bên cạnh đó, vẫn còn những bất lợi khác đối với hoạt động đầu tư vào công nghệ sinh học của Trung Quốc. Những thay đổi ở Washington và các thách thức trong việc thâm nhập vào lĩnh vực chăm sóc y tế của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến quyết định của giới đầu tư. Một điều luật mới được Mỹ thông qua hồi tháng Tám đã mở rộng thẩm quyền của Ủy ban về đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan xem xét các dự án đầu tư nước ngoài vì những lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Theo đó, CFIUS sẽ ưu tiên bảo vệ các công nghệ mới nổi của Mỹ, trong đó có thông tin về di truyền.

Kể cả những công ty với tiềm lực vốn mạnh cũng có thể gặp khó khăn khi bước vào thị trường Trung Quốc, vì những ”chướng ngại vật” khó vượt qua trong việc tiến hành thử nghiệm, xin chính phủ cấp phép và bán các sản phẩm thuốc ra thị trường.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dự đoán rằng “cơn cuồng” công nghệ sinh học của Trung Quốc sẽ không chấm dứt trong một sớm một chiều. Theo ông Jonathan Wang, một lãnh đạo cấp cao và là đồng sáng lập quỹ châu Á của OrbiMed Advisors, một công ty đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc y tế, việc đầu tư vào các công ty công nghệ sinh học của Mỹ rất có ý nghĩa đối với các công ty Trung Quốc, đặc biệt khi nhiều công ty công nghệ sinh học của nước này vẫn còn đứng sau các công ty Mỹ về chất lượng cũng như danh mục sản phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục