Dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia dự kiến đạt 581 tỷ USD trong năm nay

08:43' - 03/06/2022
BNEWS Giá dầu thô đã tăng mạnh trên các thị trường quốc tế trong thời gian qua, mang lại nguồn thu khổng lồ cho các nước xuất khẩu dầu ở vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia.

Theo hãng tư vấn và quản lý đầu tư Jadwa Investment của Saudi Arabia, dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia dự kiến sẽ tăng lên 581 tỷ USD vào cuối năm nay, từ con số 451,7 tỷ USD ghi nhận trong tháng 4/2022, giữa lúc quốc gia Trung Đông này đang được hưởng lợi lớn từ sự leo thang của giá dầu.

 

Giá dầu thô đã tăng mạnh trên các thị trường quốc tế trong thời gian qua, mang lại nguồn thu khổng lồ cho các nước xuất khẩu dầu ở vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia.

Quốc gia này đã bơm 10,4 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4/2022, phù hợp với thỏa thuận hạn ngạch của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+.

Mức sản lượng này cao hơn so với 10,3 triệu thùng/ngày của tháng trước đó. Theo dữ liệu của Bloomberg, nguồn thu từ dầu mỏ của Saudi Arabia đã đạt khoảng 30 tỷ USD trong tháng 4/2022.

Với giá dầu tăng hơn 70% kể từ năm ngoái, Saudi Arabia là quốc được hưởng lợi lớn nhất trong số các nước sản xuất dầu trong năm nay. Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 4/2022, hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định Saudi Arabia dự kiến sẽ thu về khoảng 400 tỷ USD từ ngành công nghiệp dầu mỏ trong năm 2022, tăng gần 250 tỷ USD so với năm 2021.

Trong khi đó, Jadwa Investment dự báo doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia vùng Vịnh này sẽ đạt khoảng 342 tỷ USD trong năm nay.

Giá dầu đã không ngừng gia tăng do thị trường thắt chặt hơn, tình trạng thiếu đầu tư vào ngành năng lượng và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giá dầu thô đã gần chạm mức 140 USD/thùng vào tháng 3/2022 trước khi sụt xuống mức hơn 123 USD/thùng trong tuần này.

Ông Asad Khansad Khan, nhà kinh tế trưởng đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu tại Jadwa Investment, cho rằng thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU), việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc và kho dự trữ dầu ngày càng vơi của Mỹ sẽ là những nhân tố gây áp lực lên giá năng lượng trong tháng này./.

>>>Saudi Aramco - hành trình trở lại "ngôi vương"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục