Đức “gia nhập” nhóm quốc gia châu Âu đang trong tình cảnh kinh tế trì trệ

21:02' - 14/08/2019
BNEWS Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 14/8 công bố số liệu cho hay, kinh tế Đức đã sụt giảm 0,1% trong quý II/2019, sau khi tăng 0,4% trong quý I/2019.
Kinh tế Đức đã sụt giảm 0,1% trong quý II/2019. Ảnh minh họa: Reuters

Chỉ số này nêu bật tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trước những căng thẳng thương mại và làm dấy những tranh luận về việc tăng chi tiêu công ở Đức.
Số liệu trên - phù hợp với dự đoán trước đó của các nhà phân tích mà Factset khảo sát ý kiến - đã đưa Đức “gia nhập” nhóm quốc gia châu Âu đang trong tình cảnh kinh tế trì trệ. Cũng trong quý II/2019, kinh tế Anh sụt giảm 0,2% còn kinh tế Pháp tăng trưởng 0,2%.
Trong thời gian gần đây, kinh tế Đức đã đón một loạt dấu hiệu tiêu cực với các số liệu bất lợi về xuất khẩu và chế tạo. Ngày 13/8, Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất máy công cụ - ngành công nghiệp lớn thứ hai của Đức sau chế tạo ô tô - thông báo số đơn đặt hàng trong quý II/2019 giảm 22%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hóa chất và sản xuất ô tô của Đức cũng gặp khó khăn do tăng trưởng kinh tế thế giới “giảm tốc” và hoạt động thương mại chững lại.
Theo nhà kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING, xung đột thương mại, những bất ổn trên toàn cầu và ngành công nghiệp ô tô trì trệ cuối cùng đã đẩy kinh tế Đức vào tình trạng suy giảm.

Còn nhà kinh tế Klaus Borger của ngân hàng đầu tư công KfW cho hay kinh tế Đức đã bắt đầu đối diện với khó khăn kể từ mùa Hè 2018 trước những ảnh hưởng bất lợi của tình trạng xung đột thương mại Mỹ-Trung, bất ổn liên quan tới việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và sự "hụt hơi" của kinh tế thế giới.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế còn dự đoán kinh tế Đức có thể đang đứng trước một đợt "suy thoái kỹ thuật" sau sự sụt giảm trong quý II/2019 khi các “dấu hiệu” kinh tế khác đang có xu hướng tiêu cực.
Chính phủ Đức dự kiến kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,5% năm 2019, thấp hơn mức ước tính tăng 0,8% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, hai con số trên đều thấp hơn mức tăng trưởng 2,2% ghi nhận trong năm 2017 và 1,4% năm 2018.
Một loạt rủi ro xuất hiện đối với tăng trưởng kinh tế Đức trong khi ngân sách chính phủ tiếp tục “phình lên” đã bắt đầu làm dấy lên những tranh luận về vấn đề tăng chi tiêu công.

Theo nhà kinh tế Claus Michelsen của tổ chức nghiên cứu DIW, Chính phủ Đức cần tăng chi tiêu để thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật số hóa và thị trường nhà đất, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.
IMF và Ủy ban châu Âu (EC) lâu nay đã hối thúc Đức tăng chi tiêu công nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng cường nhập khẩu và cân bằng cán cân thương mại. Tuy vậy, quy định “hạn chế vay nợ” mà Đức đưa vào hiến pháp hồi năm 2009 đã ngăn cản nước này tăng mạnh chi tiêu công./.

Xem thêm:

>>EVFTA - “xung lực đáng kể” với kinh tế Đức

>>Đức sẽ sửa luật công nghiệp năng lượng để tiếp cận thị trường LNG

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục