Đức nỗ lực hạn chế những tác động đối với thị trường việc làm

20:56' - 11/04/2022
BNEWS Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cam kết chính phủ sẽ hành động nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu tác động đến thị trường việc làm của nước này.

Phát biểu với hãng tin DPA, ông Hubertus Heil khẳng định: “Với một chương trình phúc lợi mạnh, chúng tôi có thể tự vệ khi dự báo được những gì có thể xảy ra với thị trường lao động trong thời điểm hiện tại. Nếu cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung”.

 

Tranh luận về việc siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, ông Heil cho rằng cần tập trung ổn định xã hội và tình hình trong nước. Ông nói: “Để giải quyết những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga – Ukraine đối với thị trường lao động và nền kinh tế Đức, chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành hiện nay”.
Người đứng đầu Bộ Lao động giải thích kế hoạch “Kurzarbeit” (trợ cấp việc làm ngắn hạn), giúp tăng lương cho nhân viên khi giảm giờ làm, đã có thể đảm bảo hàng triệu việc làm và ổn định nhu cầu.
Kể từ năm 2020, khoảng 44,1 tỷ euro (hơn 40 tỷ USD) đã được dùng để chi trả cho những việc làm ngắn hạn, trong đó 26 tỷ euro được trích từ nguồn dự trữ của Cơ quan Việc làm Liên bang (BA).

Thông qua kế hoạch này, chính phủ đã ngăn chặn được tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt do đại dịch COVID-19 gây ra. Ông Heil nói: “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục giữ cho thị trường lao động Đức phát triển mạnh mẽ và ổn định trong suốt giai đoạn khó khăn này”.
Năm 2022, BA dự báo sẽ có khoảng 590.000 công nhân làm việc trong thời gian ngắn hơn. Con số này chiếm khoảng 10% số công nhân hưởng "Kurzarbeit" hồi năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát mạnh tại Đức. Theo ông Heil, đỉnh điểm đã có lúc Đức ghi nhận đến 6 triệu người phải giảm giờ làm việc.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chính phủ đã mở rộng kế hoạch “Kurzarbeit”, đưa các công nhân làm việc tạm thời như một phương tiện duy trì chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru. Các chuỗi cung ứng ở châu Âu vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nay càng trở nên khó khăn do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Mặc dù Đức vẫn có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 1,5% trong năm nay, phần lớn phụ thuộc vào việc liệu cuộc chiến có mở rộng đến những địa điểm khác ở châu Âu hay không và liệu nguồn cung năng lượng có bị ảnh hưởng không.

Ông Heil nhận định: “Chúng tôi không biết cuộc chiến này sẽ gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nào khác. Điều đó cũng phụ thuộc vào những biện pháp mà chúng tôi thực hiện trong lĩnh vực trừng phạt”.
Trước đó, ngày 8/4, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố các biện pháp trừng phạt mà nước này áp đặt lên Nga cho đến nay là có hiệu quả cao. Tuy nhiên, Đức vẫn khẳng định sẽ không tẩy chay khí đốt của Nga ngay lập tức.
Bất chấp việc Đức có đồng ý chấm dứt ngay lập tức việc nhập khẩu năng lượng của Nga hay không, ông Heil cho biết sẽ làm hết sức trong phạm vi của mình để đảm bảo rằng những hậu quả đối với thị trường lao động Đức ở mức thấp nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục