Dùng chung cư cao cấp chứa hàng giả, quản lý thị trường gặp khó

13:02' - 16/04/2021
BNEWS Giao dịch thương mại điện tử trở nên phổ biến nhưng khả năng "hiện diện" của cơ quan quản lý Nhà nước trên môi trường này còn hạn chế, không chủ động trong việc ngăn ngừa, xử lý hàng giả, hàng cấm.
Hàng hoá vi phạm bị quản lý thị trường thu giữ. Ảnh: nguồn Tổng cục Quản lý thị trường

Đó là thông tin đáng chú ý tại hội nghị của UBND Tp. Hồ Chí Minh về phương hướng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 Thành phố năm 2021, tổ chức ngày 16/4.

Theo Cục quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh, đơn vị này gặp khó trong đấu tranh, xử lý hàng giả, hàng cấm trong hoạt động thương mại điện tử do hiện nay, việc tạo lập tài khoản bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội thường sử dụng thông tin giả, cơ quan chức năng rất khó xác định đối tượng vi phạm và nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý.

Hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được vận chuyển nhờ các đơn vị vận chuyển độc lập như Grab, Be, Giao hàng nhanh,..., với số lượng ít, cơ động nên khó phát hiện.

Đại diện Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, đặc biệt có tình trạng nhiều đối tượng buôn bán hàng giả sử dụng chung cư cao cấp để hoạt động kinh doanh, chứa trữ hàng hóa dẫn đến khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc tiếp cận, phát hiện để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Để khắc phục những vấn đề này, Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đối với các vụ việc phức tạp, nổi cộm, có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với Tổ công tác 368, Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng cục quản lý thị trường và các cơ quan liên quan như Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố,...để phát hiện, kiểm tra, kiểm soát, xử lý.

Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, các cơ quan của Sở Công Thương, Cục Thuế Thành phố và các đơn vị ngân hàng, tổ chức tín dụng, đơn vị trung gian thanh toán, công ty viễn thông cần có sự phối hợp kiểm soát luồng hàng hóa, dòng tiền thanh toán của các tổ chức ), cá nhân hoạt động thương mại điện tử thông qua các công ty chuyển phát, bưu chính, viễn thông, tổ chức có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa để thu thập thông tin về chủ hàng, nguồn hàng, luồn di chuyển hàng hóa, khối lượng hàng hóa vận chuyển, kể cả hàng hóa giao dịch xuyên các tỉnh thành và qua biên giới.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh khuyến cáo, người tiêu dùng cần mua sắm tại các website thương mại điện tử uy tín đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; khi mua hàng trên các trang mạng xã hội cần xem xét kỹ thông tin người bán, địa chỉ rõ ràng; khi nhận hàng hóa phải xem kỹ hàng hóa có chất lượng, tài liệu liên quan kèm theo có đầy đủ thông tin theo quy định.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị Ban chỉ đạo 389 Tp. Hồ Chí Minh tập trung triển khai kế hoạch 399/KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Các lực lượng liên quan chủ động nắm tình hình, nhận định, dự báo những vấn đề nổi cộm, phương thức thủ đoạn mới, đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lương. Đồng thời, quá trình thực hiện công vụ thực tế cần chú ý phát hiện nhưng khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp lý để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động thương mại điện tử, nâng cao chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Năm 2020, Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an Thành phố và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xử lý đối với 96 cá nhân, tổ chức kinh doanh vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, với tổng số tiến xử phạt là hơn 1,8 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục