EC đề xuất giới hạn mức phát thải methane với khí đốt nhập khẩu

13:08' - 26/10/2023
BNEWS Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất áp giới hạn khí thải methane đối với khí đốt nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2030 nhằm hạn chế việc rò rỉ loại khí có khả năng làm Trái Đất ấm lên này.

Động thái này được xem là sẽ gây áp lực đối với đối tác quốc tế cung cấp nhiên liệu hóa thạch của khối, trong đó có Mỹ.

Hiện EU đang nỗ lực đàm phán nhằm đạt thỏa thuận cuối cùng về luật cắt giảm khí thải methane trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28). Đề xuất mới của EC yêu cầu các nhà cung cấp khí đốt nước ngoài phải hạn chế lượng khí thải methane từ các cơ sở hạ tầng dầu khí. Phía EC cũng đã xét đến an ninh nguồn cung trong các cuộc thảo luận.

 

Tuy nhiên, theo nghị sĩ Đức Jutta Paulus, nhà đàm phán chính của Nghị viện châu Âu (EP) về luật hạn chế khí methane, cho rằng năm 2030 là “quá muộn để hành động”. Hiện EP đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về hạn chế khí methane đối với nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ năm 2026.

Năm 2021, tại Hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh), Mỹ và EU đã đi đầu trong việc thiết lập Cam kết methane toàn cầu, một nỗ lực nhằm đến năm 2030 có thể cắt giảm 30% lượng khí thải methane. Hiện có gần 150 nước tham gia cam kết này.

Methane là thành phần chính của khí tự nhiên được đốt trong các nhà máy điện để sản xuất điện và cung cấp khí sưởi ấm. Methane cũng là loại khí gây hiệu ứng nhà kính và là nguyên nhân lớn thứ hai gây biến đổi khí hậu sau CO2, với hiệu ứng nóng lên nhiều khi thoát vào khí quyển. 

Trong ngắn hạn, khí methane có tác động làm Trái Đất ấm lên cao hơn CO2 nhưng lại biến mất khỏi bầu khí quyển nhanh hơn. Các nhà khoa học nhận định việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải methane là rất quan trọng trong thập kỷ này, nếu thế giới muốn giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C và tránh những tác động tàn khốc nhất.

Các nguồn cung cấp khí đốt của EU đã thay đổi đáng kể trong thời gian qua, khi Nga giảm bớt nguồn cung năng lượng cho khu vực sau xung đột ở Ukraine. Na Uy, nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch có mức phát thải khí methane thấp nhất thế giới, đã trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của EU vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc hạn chế khí methane có thể tác động lớn hơn đến các nhà cung cấp khí đốt cho EU và có tỷ lệ phát thải cao, trong đó có Algeria và Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục