ECB cảnh báo về con đường kiểm soát lạm phát nhiều chông gai

09:45' - 08/06/2024
BNEWS Lời cảnh báo mạnh mẽ nhất đến từ Đức, nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo giai đoạn cuối cùng trên con đường đưa lạm phát xuống ngưỡng 2% có thể đặc biệt khó khăn. Song họ tin tưởng rằng chính sách đang hoạt động như dự định, trong khi một số thậm chí còn thấy có cơ hội để nới lỏng chính sách. hơn nữa vào năm 2024.

ECB đã cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục xuống 3,75% trong cuộc họp ngày 6/6, một động thái đã được thị trường dự kiến từ trước. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương này không thực hiện bất kỳ cam kết nào nhằm nới lỏng chính sách hơn nữa sau khi số liệu lạm phát và tăng trưởng tiền lương trong những tuần gần đây vượt dự kiến. Những số liệu đó cho thấy ECB sẽ cần nhiều thời gian hơn để đáp ứng mục tiêu của mình.

 
Lời cảnh báo mạnh mẽ nhất đến từ Đức, nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đức đã dội một gáo nước lạnh vào những ý kiến cho rằng việc tăng lương lớn trong năm nay chỉ là chuyện xảy ra một lần. Theo Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), tiền lương dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay và tiếp tục đi lên trong giai đoạn sau đó. Tăng lương làm tăng thu nhập khả dụng và do đó gây áp lực lên giá cả, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm về lương như dịch vụ.

Thống đốc Bundesbank Joachim Nagel cho biết, việc cắt giảm lãi suất hôm 6/6 không phải là quá sớm do lạm phát đang tiến triển, nhưng ông cũng cho biết ECB sẽ không tự động cắt giảm lãi suất nữa.

Ông Robert Holzmann, Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo và là thành viên Hội đồng ECB là nhà hoạch định chính sách duy nhất phản đối việc cắt giảm lãi suất hôm 6/6. Ông nói rằng lạm phát khó kiểm soát hơn dự đoán của ECB. Vì vậy, ngân hàng trung ương này cần hành động thận trọng hơn trong tương lai.

Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho rằng lạm phát vẫn có thể tăng từ mức hiện tại trước khi giảm trở lại mức 2% vào cuối năm sau, khiến vài tháng tới trở nên khó khăn hơn.

Trong khi hầu hết các nhà hoạch định chính sách không đưa ra dự đoán chính sách cụ thể, ông Gediminas Simkus, đại diện của Ngân hàng trung ương Lithuania (Lít-va) cho rằng có khả năng ECB sẽ nới lỏng lãi suất hơn nữa trong năm nay nếu nền kinh tế phát triển theo dự báo.

Thị trường hiện đặt cược ECB sẽ có từ một đến hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo dự kiến, ECB sẽ thực hiện tổng cộng bốn lần cắt giảm lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm sau.

Các nhà kinh tế lập luận rằng lãi suất bằng hoặc trên 3% đều hạn chế tăng trưởng kinh tế, vì vậy chính sách của ECB sẽ tiếp tục kìm hãm nền kinh tế Eurozone trong năm tới.

Tại cuộc họp báo ngày 6/6, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho hay có "khả năng rất lớn" rằng việc cắt giảm lãi suất này là sự khởi đầu của một quá trình quay trở lại chính sách tiền tệ bình thường.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng nói rằng rất khó để ECB tiếp tục điều chỉnh lãi suất trong tháng Bảy. Thời điểm cho đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo có thể là vào tháng Chín, với điều kiện là các số liệu công bố trước cuộc họp phù hợp.

Thành viên hội đồng ECB Isabel Schnabel, người đã kêu gọi ngân hàng trung ương này tạm dừng hạ lãi suất vào tháng Bảy, cho hay vì triển vọng lạm phát trong tương lai vẫn chưa chắc chắn nên ECB không thể cam kết trước về một lộ trình lãi suất cụ thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục