EU khẩn cấp tiếp cận các nước sản xuất khí đốt để đảm bảo an ninh năng lượng

06:30' - 25/07/2022
BNEWS Báo Le Figaro có bài viết cho biết trong cuộc chạy đua với thời gian để bảo đảm an ninh năng lượng, châu Âu “không loại trừ lựa chọn nào” ngay cả khi quốc gia được lựa chọn gây tranh cãi về chính trị.

35 tỷ m3 là lượng khí đốt ngoài Nga được nhập khẩu vào châu Âu theo những cách khác phi truyền thống trong những tháng gần đây. Ngay từ những ngày đầu xảy ra xung đột tại Ukraine, các nước châu Âu đã bắt tay ngay vào việc tìm kiếm các đối tác mới. Nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng được ủy thác cho Ủy ban châu Âu (EC). Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã tham gia rất nhiều hoạt động và vội vàng ký các thỏa thuận mà tác động của chúng đôi khi gây ra các tranh cãi.

Trong cuộc chạy đua với thời gian để đảm bảo an ninh nguồn cung cho châu Âu, “chúng tôi không gạt bỏ bất cứ lựa chọn nào”, một người thân cận với các cuộc đàm phán giải thích. Vào tháng 2-3/2022, Nhật Bản đã gửi đến châu Âu một số tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - một bằng chứng về tình đoàn kết nhưng như thế là chưa đủ. 

Mỹ nhanh chóng khẳng định mình như một sự thay thế khí đốt Nga đáng tin cậy. Thỏa thuận được ký kết vào tháng Ba, giữa bà Ursula von der Leyen và Tổng thống Joe Biden, về kế hoạch cung cấp 15 tỷ m3 LNG trong năm 2022, cùng với 22 tỷ m3 LNG đã được lên kế hoạch từ trước. Lượng giao hàng sẽ tăng dần, đạt 50 tỷ m3 mỗi năm.

Na Uy cũng là một địa điểm được lựa chọn cho EU. Đây là quốc gia mà trước cuộc xung đột đã cung cấp khoảng 20% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Oslo đã nhanh chóng đồng ý xem xét tăng khối lượng khí đốt, nhưng đồng thời cũng chỉ ra giới hạn công suất của mình. Vào cuối tháng Sáu, nước này cũng đã cam kết phát triển các giếng mới và tăng cường vận chuyển khí đốt sang EU một cách lâu dài. Hàng chục tỷ m3 khí đốt bổ sung sẽ được tính toán, với Ba Lan là điểm đến chính và cũng là điểm cuối của đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy. 

Châu Âu cũng đang chuyển hướng sang Azerbaijan, nơi bà Ursula von der Leyen mới ký một thỏa thuận vào ngày 18/7 về việc tăng lượng khí đốt tới EU. Châu Âu sẽ nhận được 12 tỷ m3 trong năm nay, tức là nhiều hơn 4 tỷ m3 so với năm 2021. Đến năm 2027, mục tiêu EU đặt ra là 20 tỷ m3 mỗi năm.

Theo EC, trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu khí đốt ngoài Nga của EU đã tăng 35 tỷ m3 và tham vọng sẽ đạt mức 60 tỷ m3 vào cuối năm. Khối lượng này đủ để thay thế 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga và giúp EU vượt qua mùa Đông khó khăn sắp tới. Tuy nhiên, EU vẫn tỏ ra rất thận trọng. Các sự cố như vụ hỏa hoạn tại một trạm khí đốt ở Texas, Mỹ đầu tháng Sáu vừa qua có thể làm hỏng mọi chuyện.

Cũng cần lưu ý rằng mặc dù luôn có những thông báo thắng lợi sau mỗi lần ký kết thỏa thuận về nguyên tắc, đàm phán giữa các doanh nghiệp vẫn có một ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt trong vấn đề liên quan đến giá cả. Một quan chức châu Âu thừa nhận: “Nếu châu Âu có thể nhập khẩu LNG cao kỷ lục thì đó là nhờ giá năng lượng này ở thị trường châu lục rất cao”.

Dự đoán đối với tương lai có vẻ khó khăn hơn. Các nỗ lực ngoại giao sẽ chỉ mang lại kết quả trong trung và dài hạn, nhất là trường hợp liên quan đến thỏa thuận đạt được với Mỹ hoặc Azerbaijan. 

Tương tự là trường hợp thỏa thuận về nguyên tắc ký với Ai Cập, biến quốc gia duy nhất trong khu vực có nhà máy hóa lỏng khí này thành một trung tâm lớn về xuất khẩu khí đốt ngoài khơi của Israel. Dự án này chắc chắn đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể, trong đó có vai trò của EU, nhưng đến bao giờ có thể hoàn thành và đi vào vận hành vẫn là điều chưa thể xác định. 

Cuối cùng, EC đang tiến hành hàng loạt các cuộc khảo sát về tính khả thi với Algeria, Qatar, Nigeria và thậm chí cả các nước ở khu vực Mỹ Latinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục