EU thắt chặt tài chính đối với Khu vực Kinh tế châu Âu

11:46' - 23/03/2024
BNEWS Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một chính sách tài chính thắt chặt hơn đối với Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) kể từ năm 2025.

Ngày 22/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một chính sách tài chính thắt chặt hơn đối với Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) kể từ năm 2025 nhằm giúp giảm lạm phát và ổn định tài chính công sau tình trạng chi tiêu quá mức do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng giá năng lượng.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại cuộc họp thượng đỉnh EU, Hội đồng châu Âu đã tán thành khuyến nghị yêu cầu thực thi lập trường tài khóa tổng thể chặt chẽ hơn ở khu vực EEA. Quy định mới được cho là sẽ phù hợp hơn với triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực này về nhu cầu tăng cường tính bền vững tài chính, hỗ trợ quá trình giảm phát đang diễn ra và duy trì các chính sách linh hoạt trước tình hình bất ổn.

Trước đó, hôm 11/3, các Bộ trưởng tài chính của 20 quốc gia sử dụng đồng euro đã nhất trí về hướng dẫn chính sách tài khóa cho năm 2025 để có thêm thời gian cắt giảm nợ trong khi vẫn thu hút vốn đầu tư để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái và kinh tế kỹ thuật số, đồng thời tăng tính cạnh tranh về công nghệ và các nguyên liệu thô quan trọng.

Mục đích nhằm tạo ra một Liên minh thị trường vốn (CMU) của EU và giảm bớt rào cản đối với đầu tư tư nhân xuyên biên giới. Đây sẽ là nhiệm vụ của Nghị viện châu Âu (EP) và Ủy ban châu Âu (EC) trong nhiệm kỳ tiếp theo, sau cuộc bẩu cử vào tháng 6 tới. Trong số những lĩnh vực được quan tâm có chứng khoán hóa, điều hòa luật phá sản, xử lý thuế tiết kiệm hưu trí và lợi tức vốn, cũng như các yêu cầu về việc niêm yết.

Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup), ông Paschal Donohoe, cho biết việc tạo ra một thị trường vốn chung hoạt động tốt và hiệu quả thông qua việc thúc đẩy CMU là điều cần thiết đối với châu Âu.

Ông nói: “CMU là một trong những thành phần quan trọng trong trọng tâm đổi mới của chúng tôi về khả năng cạnh tranh của khu vực đồng euro, vốn là yếu tố bắt buộc để ứng phó với những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu”.

Theo kế hoạch, chiến lược hội nhập thị trường vốn sẽ được thảo luận sâu hơn tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU, dự kiến diễn ra từ 17-18/4 ở Brussels.

Trước đó, EC dự báo thâm hụt ngân sách tổng thể của khu vực đồng euro trong năm 2024 sẽ giảm xuống còn 2,8% GDP, so với mức 3,2% của năm 2023, sau đó tiếp tục giảm xuống 2,7% GDP vào năm 2025. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (EIB) dự báo lạm phát tiêu dùng sẽ giảm từ 5,4% năm 2023 xuống 2,3% năm 2024, 2,0% năm 2025 và 1,9% năm 2026.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục