EVNHANOI: "Tiếp dòng di sản -130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ"

19:32' - 06/12/2022
BNEWS Ngày 6/12, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) tổ chức Hội thảo “Tiếp dòng di sản - 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ”.
Thông qua các nhân chứng lịch sử, các nhà sử học, chuyên gia, nhà nghiên cứu về Hà Nội và các kỹ sư, thợ điện trẻ giỏi cũng như hình ảnh tư liệu… Hội thảo đã tái hiện sinh động quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Nhà máy Đèn Bờ Hồ từ khi xây dựng năm 1892 đến nay.

Theo tài liệu lịch sử, EVNHANOI ngày nay, tiền thân là Nhà máy đèn Bờ Hồ, được khởi công xây dựng từ năm 1892. Ngày 5/1/1895, Nhà máy đèn Bờ Hồ chính thức đi vào vận hành phục vụ chiếu sáng. Lúc này, Nhà máy có 2 máy phát điện một chiều tổng công suất là 500 kW.

 

Giai đoạn này Nhà máy đèn Bờ Hồ do người Pháp, Công ty Điện khí Đông Dương quản lý, cung cấp điện cho 523 đèn điện ở những khu phố người Âu và phục vụ cho sinh hoạt của gia đình.

Năm 1922, sản lượng điện do Nhà máy đèn Bờ Hồ là 2.000.000 kWh, cung cấp điện cho thành phố Hà Nội, Hà Đông và các vùng lân cận.

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà máy đèn Bờ Hồ được tiếp quản và được đổi tên thành Nhà máy điện Hà Nội, rồi được tiếp tục đổi thành EVNHANOI, trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tại buổi Hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, khi ra đời Nhà máy đèn Bờ Hồ tuy nhỏ bé nhưng có ý nghĩa to lớn giúp phát triển nền công nghiệp điện của thành phố những năm sau này. Trải qua những năm tháng phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân ngành điện đều gắn liền với các cuộc cách mạng của Thủ đô và đất nước. Dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ vẫn luôn giữ được dòng điện phục vụ công cuộc đấu tranh, tái thiết của thành phố.

Theo ông Dương Trung Quốc, trong sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần về thăm và căn dặn cán bộ, công nhân ngành điện Thủ đô. Bác từng nhấn mạnh: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. Do đó, việc EVNHANOI tổ chức hội thảo 130 năm tiếp dòng di sản, không chỉ vinh danh quá khứ mà còn là bài học mới, sứ mệnh mới cho ngành điện Hà Nội trong tương lai.

Còn theo ông Lê Xuân Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ, nhờ những ngày tháng làm công nhân điện Hà Nội đã giúp ông luyện rèn thêm bản lĩnh, tính kỷ luật trong công việc và học tập được thêm nhiều kiến thức mới để trưởng thành trong quá trình công tác sau này.

Kỹ sư trẻ Hoàng Thị Thùy Dương, Trung tâm Điều độ EVNHANOI tự hào khi được tham dự Hội thảo “Tiếp dòng di sản - 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ” bày tỏ, từ truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, những công nhân, kỹ sư ngành điện Thủ đô hiên nay đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành, phân phối, kinh doanh điện. Từ chỗ, công nhận điện phải trực vận hành tại trạm biến áp thì nay, các trạm đều không có người, được điều khiển từ xa giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho lưới và người vận hành.

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHANOI nhấn mạnh, trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang xây dựng và phát triển, EVNHANOI đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện phục vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội, sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của thành phố và đất nước. Trong thời gian tới, ngoài việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý vận hành lưới điện, thanh toán tiền điện… thì EVNHANOI còn có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ, công nhân viên ngành điện: chuyên nghiệp, văn minh, tận tâm để phục phục vụ nhân dân Thủ đô tốt và hiệu quả hơn.

Theo EVNHANOI, hiện đơn vị đang phục vụ 2,8 triệu khách hàng, với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 21 tỷ kWh điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục