G20 nhấn mạnh cần có quy định toàn cầu về tài sản kỹ thuật số

10:23' - 14/04/2023
BNEWS Đa số các nước thành viên G20 đã nhất trí rằng bất cứ quy định mới nào về tài sản kỹ thuật số cần có sự phối hợp toàn cầu.

Ngày 13/4, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc 2 ngày nhóm họp tại thủ đô Washington (Mỹ).

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đồng chủ trì hội nghị cho biết hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có tình hình kinh tế thế giới hiện nay và cách thức tăng cường cấu trúc tài chính quốc tế. Những thách thức liên quan các tài sản kỹ thuật số cũng được thảo luận.

 

Theo đó, đa số các nước thành viên G20 nhất trí rằng bất cứ quy định mới nào về tài sản kỹ thuật số cần có sự phối hợp toàn cầu. Các nước cũng lưu ý rằng các tài sản kỹ thuật số không được các ngân hàng trung ương hỗ trợ có thể vô giá trị và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Bà Sitharaman nêu rõ "G20 và các nước thành viên nhất trí rằng không một nước nào có thể một mình giải quyết được vấn đề tài sản kỹ thuật số".

Bà Sitharaman cũng cho biết các cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội nghị diễn ra “rất căng thẳng” và nhiều ý kiến quan trọng được đưa ra.

Tuy nhiên, hội nghị trên không ra được tuyên bố chung, trong bối cảnh có những ý kiến bất đồng về xung đột Nga-Ukraine.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại sau các đợt tăng lãi suất mạnh tại các nền kinh tế lớn. Lãi suất cao và đồng USD mạnh đã gây khó khăn cho các nước đang phát triển trong việc thanh toán nợ bằng đồng USD khi chi phí vay tăng lên.

Sri Lanka nằm trong số những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đối với mặt với vấn đề nợ, sau khi đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine bộc lộ những điểm yếu của quốc gia này.

Các chủ nợ chính của nước này gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đều là thành viên G20. Trước đó, IMF đã thông qua khoản vay trị giá 3 tỷ USD để giúp Sri Lanka vượt qua cuộc khủng hoảng.

Ấn Độ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch G20 trong năm nay. Tháng 2 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã được tổ chức tại thành phố Bengaluru (Ấn Độ).

Hội nghị này kêu gọi chính phủ các nước điều chỉnh phù hợp chính sách tiền tệ, tài chính và những chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo ổn định tài chính.

Tuy nhiên, hội nghị này cũng không thống nhất được nội dung tuyên bố chung do còn bất đồng về các từ ngữ sử dụng trong tuyên bố. Kể từ đó, nhiều mối lo ngại về “sức khỏe” của lĩnh vực ngân hàng đã bao trùm thị trường tài chính và tâm lý bất ổn gia tăng về việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục