Gánh giấm vải đọ sức cùng chợ Tây

14:06' - 04/06/2018
BNEWS Ngoài những giờ lên lớp cô giáo viên hóa sinh lại tranh thủ ngồi bóc vải, ủ men làm giấm. Hành trang chỉ vài cái thùng nhựa đựng nước vải, cô gái miền núi xa xôi ấy đã trở thành doanh nhân toàn cầu.

Ai có thể tin rằng, ngoài những giờ lên lớp cô giáo viên hóa sinh bắt tay khởi nghiệp qua việc tranh thủ ngồi bóc vải, ủ men làm giấm. Hành trang chỉ bắt đầu từ vài cái thùng nhựa đựng nước vải thô sơ, cô gái nơi miền núi xa xôi ấy đã vượt lên chính mình và trở thành doanh nhân toàn cầu.

Không dừng lại ở dòng giấm vải mật ong, cô say sưa tìm tòi và biến tấu thêm cả dòng gia vị, dòng nước uống. Biệt đãi người tài, sản phẩm của cô đã lần lượt được đóng vào container, lên tàu và hòa vào dòng chảy ngoại thương của thế giới. 

Sản phẩm giấm vải của cơ sở sản xuất Kim Ngân. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

*Độc mộc vươn khơi

Trở lại Bắc Giang vào ngày cao điểm của nóng nực nhưng cả đoàn chúng tôi ai cũng háo hức muốn gặp thật nhanh cô giáo viên nhỏ bé vừa đi dạy vừa gánh gồng đặc sản quê hương đi đọ sức với chợ Tây.

Đó không ai khác chính là Bạch Kim Ngân-người thổi hồn cho món giấm vải mật ong- sản phẩm độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Mặc dù không sinh ra và lớn lên nơi miền nhưng quê Lục Ngạn-Bắc Giang nhưng cô giáo Bạch Kim Ngân luôn coi nơi đây như miền quê thứ hai của mình.

Chính vì vậy, hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất này, cô rất thấu hiểu những khó khăn vất vả của người dân mỗi khi đến mùa thu hoạch vải lại chất đống bởi thương lái ép giá.

Xuất phát từ nguyên do này mà Bạch Kim Ngân- cô giáo hóa sinh vốn có sẵn kiến thức khoa học cùng tình yêu mãnh liệt với vải thiều bắt đầu lên kế hoạch điều chế rượu và giấm làm từ quả vải và mật ong.

Xác định khởi nghiệp là một quá trình thất bại và thất bại nên Bạch Kim Ngân không ngần ngại đứng lên làm lại. Vượt lên chính mình đồng nghĩa với gạt những giọt nước mắt và những đêm dài thức trắng, cô rà soát lại quá trình lên men, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ phù hợp và bắt đầu đợt ủ tiếp theo.

Bạch Kim Ngân không ngần ngại cho biết, không biết bao nhiêu lần sản phẩm cứ thử rồi lại hỏng, chị tỏ ra chán nản, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, sau một thời gian cố gắng không mệt mỏi và quyết chí không bỏ cuộc những chai giấm vải đầu tiên đã được điều chế thành công.

Khi dung dịch bắt đầu lên men cho mùi vị thơm ngon, bên cạnh việc dùng để chế biến một số món ăn cho gia đình, số còn lại cô đem biếu người thân, bạn bè và nhận phản hồi khá tốt.

Đáng mừng hơn là đem mẫu giấm đi kiểm tra thì cả khi quy trình lẫn chất lượng sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn.

Như thuyền gặp gió, ngoài số tiền tiết kiệm, Bạch Kim Ngân còn mượn thêm 1,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, thu mua nguyên liệu, mua thùng chứa, in bao bì nhãn mác.

Tuy nhiên, do chưa có nhiều cơ sở sản xuất giấm tự nhiên và cô là người tiên phong sử dụng quả vải nên việc thanh trùng gặp nhiều khó khăn.

Sản phẩn được kiểm tra nhãn mác trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Vì vậy, để chủ động hơn trong việc sản xuất, Bạch Kim Ngân đã nhờ chế tạo máy móc cho phù hợp với quy trình sản xuất.

Ngoài ra, do vụ vải diễn ra khá ngắn, khó chủ động nguyên liệu, tranh thủ vải chính vụ cô thuê khá nhiều nhân công để bóc và tích trữ đủ nguyên liệu cho cả năm sản xuất khiến chi phí sản xuất nâng lên khá nhiều.

Nhưng theo Bạch Kim Ngân khó khăn lớn nhất vẫn là thị trường. Bởi xưa nay chưa ai từng nghe đến giấm được làm từ vải và mật ong mà chỉ coi như một thức uống giải nhiệt.

Dù đã có nhiều lúc cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc nhưng sau khi nhờ được các mối quen giới thiệu, sản phẩm dần dần đã được tiêu thụ trên địa bàn, có mặt tại hầu khắp các địa phương và thậm chí theo đường tiểu ngạch xuất khẩu sang một số quốc gia.

Đến thời điểm này, xưởng giấm của cô giáo Bạch Kim Ngân đã có quy mô hơn 1.000m2, trung bình mỗi tháng sản xuất 10.000-15.000 lít giấm.

*Những bước tiến dài

Đồng hành và tiếp thêm sức mạnh cho cô là một người Dượng đang ở đâu đó rất xa. Trên fanpage của cô đã từng tâm sự: “Không thể quên khoảng khắc 10 giờ ngày 16/11/2014 khi được gặp, nói chuyện trực tiếp với Dượng tại quán cà phê The coffee bean bên bờ Hồ Tây.

Sau khi trút hết cho Dượng bao khó khăn gian khổ của người khởi nghiệp, sau hồi kiên nhẫn lắng nghe và cuối cùng Dượng nói: “con đường đến công ngắn là xuất phát từ trái tim chân thành. Hơn nữa, mục tiêu đặt ra cần phải hướng tới sân chơi toàn cầu. Nhưng, để làm được điều đó doanh nghiệp cần trang bị đủ hành trang Tâm-Tầm và Trí”.

Có lẽ với hướng đi đúng cộng thêm cái tâm tài trí của người kinh doanh nên chưa có sản phẩm nào lại được làm quà tặng sang nước ngoài nhiều như giấm Kim Ngân.

Sản phẩm giấm vải Kim Ngân tự tin với chất lượng đạt chuẩn. Ảnh: Uyên Hương/BNWES

Không những thế, sản phẩm đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Australia dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của nước sở tại và công ty vận tải quốc tế Song Minh đã hỗ trợ tư vấn miễn phí thủ tục xuất khẩu lô hàng. Và các thị trường khác cũng bắt đầu báo giá để xuất khẩu.

Giờ đây, giấm Kim Ngân đã tự tin ở mọi góc bếp Việt Nam và trên kệ mọi siêu thị của các nước trên thế giới để cạnh tranh với các loại giấm hoa quả của nước ngoài.

Với chất lượng sản phẩm cao, cơ sở sản xuất giấm vải của chị Kim Ngân đã được Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Giấm vải Kim Ngân cũng giành được nhiều giải thưởng cao quý như: Huy chương vàng Thực phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng, Cúp vàng Sản phẩm chất lượng ASEAN…

Không chỉ khẳng định tên tuổi tại thị trường trong nước, giấm vải Kim Ngân đang có những bước tiến dài để xuất khẩu. Hiện nay, giấm vải đã có mặt tại 15 quốc gia, được đón nhận, đánh giá cao tại nhiều thị trường khó tính như Australia, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Philippines…

Dòng đồ uống của cơ sở Kim Ngân được các nhà hàng Nhật Bản lựa chọn cho chuỗi nhà hàng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đặc biệt hơn, thời gian này dòng gia vị của cơ sở Kim ngân còn được các nhà hàng Nhật Bản chọn làm đồ uống. 

Không dừng lại ở đó, tại triển lãm mới đây tại Trung Quốc cả hội nghị đã sử dụng nước vải của Kim Ngân, thậm chí ông Chủ tịch Bằng Tường còn dùng tới ba ly và luôn miệng khen hảo hảo.

Cô giáo Bạch Kim Ngân bộc bạch rằng, hiện tất cả mới chỉ bắt đầu. Do đó, muốn có chỗ đứng vững tại thị trường trong nước và gây dựng thương hiệu tại nước ngoài thì rất nhiều việc phải làm.

Thời gian tới cô giáo trẻ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để cho ra các dòng sản phẩm đóng chai thủy tinh cao cấp. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục chinh phục những thị trường mới.

Thật khó để đánh giá về mức độ thành công trên con đường “vượt biển lớn”, nhưng với những đóng góp cho vùng quê nghèo Bắc Giang thì cô giáo Bạch Kim Ngân sẽ mãi là tấm gương sáng về tinh thần khởi nghiệp./.

>>>>> Lego Robotics Hue – Startup “đưa robot về làng” cho trẻ

>>>>> Cơ hội lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam

>>>>> Thúc đẩy đầu tư cho khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục