Giá dầu châu Á hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong 5 tuần

17:16' - 05/07/2019
BNEWS Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 5/7 do các chỉ số kinh tế yếu kém từ Mỹ và Đức, trong khi bỏ qua thông tin OPEC và các đồng minh gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung tới tháng 3/2020.
Giá dầu châu Á hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong 5 tuần. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 0,79 USD xuống 56,55 USD/thùng vào lúc 14 giờ 54 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu Brent Biển Bắc cũng lùi 0,23 USD xuống 63,07 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đang hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong vòng 5 tuần qua.

Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, các nhà phân tích của Ngân hàng Royal Bank of Canada cho hay giá dầu giảm khi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã lấn át sự hỗ trợ từ thỏa thuận của OPEC và tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông.

Số đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã giảm sâu hơn dự kiến vào tháng 5/2019. Bộ Kinh tế Đức sau đó cũng đã cảnh báo rằng lĩnh vực công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể sẽ vẫn yếu trong những tháng tới.

Còn tại Mỹ, số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy số đơn đặt hàng mới của các nhà máy tại đây trong tháng Năm đã giảm sang tháng thứ hai liên tiếp, làm dấy lên những lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chính những số liệu không mấy lạc quan này đã khiến giới quan sát lo ngại rằng nhu cầu dầu của các ngành công nghiệp sẽ yếu đi trong thời gian tới.

Một yếu tố hỗ trợ cho giá dầu trong tuần này là việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, bao gồm Nga, nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày tới tháng Ba năm sau.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Alfonso Esparza của công ty môi giới tài chính OANDA cho rằng những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn là yếu tố chính kìm hãm giá dầu thô. Chuyên gia này cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ giữ giá dầu không giảm quá mạnh, nhưng nếu muốn đảm bảo nhu cầu về các sản phẩm năng lượng phục hồi, thế giới cần tìm được giải pháp cho những tranh chấp thương mại lẫn chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ đang dâng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục