Giá dầu thô thế giới "dễ" giảm nhưng khó tăng

05:30' - 17/01/2024
BNEWS Năm 2024, thị trường dầu thế giới vẫn sẽ xảy ra tình trạng cung lớn hơn cầu. Trong bối kinh tế toàn cầu có chiều hướng tăng trưởng chậm lại, thì đà tăng nhu cầu dầu thô dự báo sẽ chậm lại hơn nữa.
Giữa bối cảnh giá dầu thô từng vượt ngưỡng 120 USD/thùng vào năm 2022, nhiều tổ chức đã dự đoán giá dầu thô quốc tế sẽ quay trở lại mức trên 100 USD/thùng trong năm 2023 khi nhu cầu tăng lên. Tuy nhiên, cả năm 2023, xu hướng giá dầu thô có sự thay đổi kịch tính do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Theo HK01.com, bước sang năm 2024, giá dầu quốc tế tiếp tục biến động mạnh. Ngày 8/1, giá dầu ngọt nhẹ WTI và giá dầu thô Brent kỳ hạn đều giảm khoảng 4%. Giá giao tháng 2/2024 của dầu WTI kỳ hạn giảm 4,7% xuống 70,29 USD/thùng và giá giao tháng Ba của dầu Brent kỳ hạn ở London giảm 3,8% xuống 75,73 USD/thùng. Trước đó, Saudi Arabia đã hạ giá dầu thô xuất khẩu chính thức trong tháng Hai. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh. Giá dầu quốc tế biến động liên tục khiến thị trường thêm lo lắng về sự ổn định của thị trường dầu thô năm 2024.

Nhìn lại tình hình năm 2023, giá dầu quốc tế đã trải qua hai đợt biến động kể từ đầu năm. Các nước thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã thúc đẩy việc cắt giảm sản lượng với hy vọng giữ giá dầu trên 80 USD/thùng. Điều này từng đẩy giá dầu lên mức cao gần 100 USD/thùng vào tháng Chín. Vào cuối tháng Chín, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao sau được trao đổi ở mức gần 97 USD/thùng. Tuy nhiên, sau đó, giá dầu tiếp tục giảm, trong đó giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức gần 75 USD/thùng vào tháng 12/2023.

Theo nhà kinh tế trưởng Vương Năng Toàn của Sinochem Group, những thay đổi của giá dầu quốc tế trong năm 2023 chủ yếu do một số khía cạnh. Một mặt, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên đỉnh điểm khiến giá dầu thô tính bằng USD ngày càng giảm mạnh. Cùng với đó, kỳ vọng của thị trường về việc Fed cắt giảm lãi suất đã tăng lên, khiến giá dầu giảm kể từ quý IV/2023.

Mặt khác, điều không thể xem nhẹ là cùng với sự phục hồi liên tục của năng lực sản xuất dầu thô của Mỹ, sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC tiếp tục tăng, bù đắp cho nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+. Dữ liệu từ cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P cho thấy nhu cầu dầu trung bình hàng ngày trên toàn cầu tăng 1,9 triệu thùng vào năm 2023, trong khi nguồn cung trung bình hàng ngày từ các quốc gia sản xuất dầu không thuộc OPEC+ tăng 2,5 triệu thùng, chủ yếu do sản lượng của Mỹ, Brazil và Guyana đạt mức cao mới trong lịch sử. Sự thay đổi này khiến OPEC+ ngày càng khó dựa vào việc cắt giảm sản lượng để duy trì giá dầu.

Kể từ tháng 10/2023 đến nay, xung đột ở Trung Đông ngày càng gia tăng, tác động nhất định đến nguồn cung dầu thô quốc tế. Tuy nhiên, như các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức nghiên cứu ANBOUND đã chỉ ra, rủi ro địa chính trị này sẽ không có tác động lớn hơn đến giá dầu quốc tế. Nguyên nhân vẫn nằm ở việc Mỹ tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất dầu thô. Mặc dù cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển dầu thô, nhưng trên thực tế đã thúc đẩy hơn nữa việc đưa dầu thô của Mỹ vào thị trường châu Âu và không thể ảnh hưởng đến cân bằng cung cầu cơ bản.

Dữ liệu mới nhất hiện có từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tính đến tháng 10/2023, sản lượng dầu của Mỹ là khoảng 13,2 triệu thùng/ngày, tăng gần 900.000 thùng so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, Guyana và Brazil cũng tăng nhanh sản lượng trong năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng không cao bằng Mỹ. Mỹ không chỉ tiếp tục tăng trữ lượng dầu mà còn mở rộng xuất khẩu sang châu Âu.

Cùng với việc dầu thô của Nga chảy sang châu Á nhiều hơn sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, một số quốc gia như Hà Lan, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Đức gần đây đã mở rộng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ. Dữ liệu của Kpler cho thấy kể từ cùng kỳ năm 2022, lượng dầu Mỹ vận chuyển sang châu Âu đã tăng 34%, tăng 82% so với trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô Trung Đông sang châu Âu, điều này sẽ thử thách thêm sự dịch chuyển nhu cầu của châu Âu sang Mỹ, nơi giao thông vận tải ổn định hơn. Sự thay đổi này có nghĩa là, không giống như cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới trước đây do xung đột địa chính trị ở Trung Đông gây ra, Mỹ, với tư cách là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đang có ảnh hưởng ngày càng lớn lên giá dầu thô và OPEC+ truyền thống đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành lấy sức mạnh định giá dầu quốc tế.

Năm 2024 vẫn sẽ xảy ra tình trạng cung lớn hơn cầu. Theo xu hướng chung kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tăng trưởng nhu cầu dầu thô nói chung sẽ chậm lại hơn nữa. Tháng 12/2023, EIA đã hạ dự báo về giá dầu trong năm 2024 và năm 2025. EIA ước tính giá dầu thô Brent ở mức 82,40 USD/thùng vào năm 2023, so với mức 83,99 USD/thùng dự kiến trước đó. Giá dầu thô Brent dự báo ở mức 82,57 USD/thùng vào năm 2024, so với mức 93,24 USD/thùng dự kiến trước đó.

Mặc dù OPEC+ cam kết cắt giảm mạnh sản lượng, nhưng vào lúc OPEC+ cố gắng hết sức để giảm sản lượng, Mỹ và Canada vẫn đạt sản lượng kỷ lục. Một số người trong ngành cho rằng OPEC+ có thể bất ngờ chuyển hướng vào năm 2024 và tung thêm dầu ra thị trường, khiến giá lao dốc và buộc các nước sản xuất dầu ngoài OPEC+ phải giảm sản lượng.

Đặc biệt, OPEC+ có thể lặp lại cảnh chủ động giảm giá 10 năm trước và vắt kiệt năng lực sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Trong bối cảnh đó, thị trường dầu thô toàn cầu có thể gặp nhiều biến động hơn vào năm 2024, nhưng giá dầu thô quốc tế có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh có nhiều biến động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục