Giá nhà “bùng nổ” ở Anh có thể làm chệch hướng thương mại hậu Brexit?

07:06' - 10/07/2021
BNEWS Theo Ngân hàng trung ương Anh, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, giá nhà ở Anh đã tăng cao hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển khác kể từ năm 1980.

Lịch sử cho thấy giá nhà tăng ở Anh có thể đe dọa đến những kỳ vọng tăng trưởng kinh tế nhờ xuất khẩu trong giai đoạn hậu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nếu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak sử dụng thị trường nhà ở như là công cụ để thúc đẩy nền kinh tế như những người tiền nhiệm của ông đã làm. 

Công ty cho vay Nationwide cho biết, các yếu tố như chính sách giảm thuế mua bất động sản và nhu cầu mua nhà tăng trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến ngày càng có người nhiều làm việc ở nhà hơn đã đẩy giá nhà tăng ở mức cao nhất kể từ năm 2004, với mức tăng 13,4% trong tháng Sáu.

Theo Ngân hàng trung ương Anh, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, giá nhà ở Anh đã tăng cao hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển khác kể từ năm 1980.

Mặc dù mối liên hệ giữa thị trường bất động sản trong nước và thương mại quốc tế không thực sự rõ ràng, nhưng theo tính toán của hãng tin Reuters, trong 50 năm qua đã có mối quan hệ nghịch đảo đáng tin cậy giữa giá nhà và sự đóng góp thương mại vào tăng trưởng kinh tế.

Xét trên một khía cạnh khác, thị trường nhà ở bùng nổ giúp thúc đẩy niềm tin người tiêu dùng và chi tiêu hộ gia đình, qua đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu và làm tăng lực cản tăng trưởng đối với nền kinh tế từ trao đổi thương mại ròng. Điều đó làm tăng sự phụ thuộc của Anh vào các nhà đầu tư ngoại để có thể trang trải các thâm hụt tài khoản vãng lai.

Tuy nhiên, điều ít được biến đến là nguy cơ bùng nổ thị trường nhà ở sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất, vốn chỉ đóng góp khoảng 10% vào tổng sản lượng kinh tế của nước Anh, song lại giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Balazs Egert của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã áp dụng nghiên cứu của mình cho nhóm các quốc gia OECD, bao gồm Anh, Mỹ, Pháp, Canada và Australia, và nhận thấy rằng giá nhà ở tăng quá cao sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu.

Lý do là giá nhà tăng cao làm tăng khả năng sinh lời của lĩnh vực xây dựng và bất động sản; điều này sẽ thu hút lao động và vốn từ các ngành sản xuất có năng suất cao hơn, chẳng hạn như chế tạo. Để giữ chân các nhân tài, các nhà sản xuất phải tăng lương đối với những lĩnh vực không nhận được sự hỗ trợ của năng suất tăng, và điều này đã khiến ngành sản xuất kém cạnh tranh hơn.

Dữ liệu còn cho thấy sự sụt giảm việc làm của lĩnh vực sản xuất trong dài hạn tăng nhanh khi giá nhà tăng cao. Ngược lại, sự sụt giảm việc làm trong nhà máy hầu hết đã giảm bớt trong thời kỳ giá nhà tăng trưởng yếu nhất, như giai đoạn giữa những năm 1990 và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngoài ra, việc bùng nổ giá nhà cũng có xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này làm tăng giá đồng nội tệ và khiến hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Điều này đã xảy ra ở Anh vào đầu những năm 2020.

Cuộc thăm dò ý kiến của các chuyên gia kinh tế và phân tích do Reuters thực hiện trong tháng Năm cho thấy thị trường nhà ở “xứ sở sương mù” sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới. Tuy nhiên, các nhà dự báo đã nhiều lần đánh giá thấp mức độ tăng trưởng giá nhà trong hơn 20 năm qua, với 2/3 dự báo kể từ năm 1999 là quá thấp so với tỷ lệ giá nhà tăng thực tế.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy giá nhà ở Anh có thể tăng cao trở lại hơn so với dự kiến, ngay cả khi việc tạm thời cắt giảm thuế mua bất động sản, được gọi là thuế tem, hết hiệu lực vào cuối tháng Chín./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục