Giấc mơ mùa quả ngọt

15:51' - 19/09/2021
BNEWS Việc thâm canh giống nhãn quý mang đậm bản sắc vùng Phố Hiến luôn được Hưng Yên và người trồng nhãn quan tâm để khẳng định vị thế cho cây nhãn trong thời kỳ sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Việc thâm canh giống nhãn quý mang đậm bản sắc vùng Phố Hiến luôn được tỉnh Hưng Yên và người trồng nhãn quan tâm từ nhiều năm nay; trong đó, làm thế nào để khẳng định vị thế cho cây nhãn trong thời kỳ sản xuất nông nghiệp theo công nghệ hiện đại luôn là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành và người trồng nhãn Hưng Yên.
* Tìm cơ hội mở rộng thị trường
Theo người trồng nhãn ở Hưng Yên cho biết, từ năm 2017 đến nay, các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn của tỉnh là chủ trương đúng và thiết thực, tạo cơ hội để nhà vườn và doanh nghiệp gặp nhau. Người sản xuất có cơ hội tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bà Trần Thị Bắc, Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam cho hay, từ gần 10 năm nay, lãnh đạo thành phố Hưng Yên đã cùng các xã viên vào tận Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ra Thủ đô Hà Nội để chào hàng, tìm kiếm thị trường, tổ chức xúc tiến kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn. Sau này, khi tỉnh tổ chức xúc tiến tiêu thụ, trên cơ sở những gì thành phố đã có, sản phẩm nhãn lồng của dân Hồng Nam được biết đến nhiều hơn nên đầu ra ổn định và giá tốt. 
Cũng theo bà con Hưng Yên, các hoạt động xúc tiến thương mại dù mở ra nhiều cơ hội tốt, nhưng lượng nhãn tiêu thụ còn ở mức khiêm tốn. Tại thành phố Hưng Yên, sau hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ, Hợp tác xã nhãn Quảng Châu bán được hơn 3 tấn quả tươi; Hợp tác xã cây ăn quả Quyết Thắng lần đầu tiên xuất khẩu gần 3 tấn sang thị trường EU và Vương quốc Anh...
Tuy nhiên, theo một số thành viên Hội Nhãn lồng Hưng Yên, hoạt động này thường mới chỉ thấy những "gương mặt" nhà vườn quen thuộc; nhất là một số hộ trồng nhãn có tên tuổi ở thành phố Hưng Yên, vốn có nhiều lợi thế ở ngay thủ phủ của tỉnh. Còn rất nhiều nhà vườn ở các huyện như Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ, Khoái Châu thì vẫn vắng bóng...
Về phía các doanh nghiệp cho biết, năm nay do dịch bệnh nên việc tiêu thụ nhãn vô cùng khó. Thị trường chính là Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, nhưng nhiều nơi đều thực hiện giãn cách xã hội. Phần khác, khi doanh nghiệp cần số lượng lớn thì nhiều hợp tác xã không đáp ứng được do chất lượng không đồng đều với nhiều giống nhãn khác nhau...
* Giấc mơ mùa quả ngọt

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, đến nay toàn tỉnh có 15 vùng trồng nhãn xuất khẩu; trong đó, có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (Khoái Châu); 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý gồm: thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ.
Một thành viên hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam cho biết, từ năm 2015 có 10 ha của một số hộ được cấp mã thẻ xuất khẩu sang thị trường Mỹ; nhưng mới chỉ xuất duy nhất lần đầu được hơn 1 tấn quả tươi, từ đó đến nay không có đợt nào nữa, vì còn nhiều vướng mắc. Còn thị trường Trung Quốc, một số bà con bán cho các thương lái chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch nhưng số lượng không nhiều vì trùng thời vụ.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, việc thu mua nhãn Hưng Yên vụ này không đạt kế hoạch như ban đầu. Ông Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa Hải Dương cho biết, đầu vụ công ty dự kiến mua 60 tấn nhãn xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh, nhưng sau đó chỉ mua được gần 20 tấn. Lý do dịch bệnh một phần, phần khác do một số yếu tố không đáp ứng như tiêu chuẩn, sản lượng không đủ...
Theo ông Cảnh và nhiều doanh nghiệp đánh giá, nhãn Hưng Yên chất lượng ngon, nhưng không đồng đều về giống, mẫu mã, diện tích phân tán nhỏ lẻ; công đoạn sơ chế, bảo quản còn hạn chế, thiếu hệ thống kho lạnh nên khó khăn cho các doanh nghiệp khi cần lượng hàng lớn.
Ông Phạm Văn Biết, Giám đốc Hợp tác xã Nhãn lồng Quảng Châu chia sẻ, nhãn quả tươi rất khó xuất khẩu, bởi lượng đường cao, dễ nứt vỏ, khó bảo quản hơn các loại quả khác. Để đảm bảo xuất khẩu cần có công nghệ nano xử lý mã vỏ từ lúc quả non, khi thu hoạch không bị nứt rụng, không phải sơ chế. Các giống phù hợp cho xuất khẩu phải có vỏ dày, cùi giòn như T6, T2, Hương Chi...
Theo ông Đặng Văn Xây, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam, dù thị trường nội địa hay xuất khẩu thì nhãn Hưng Yên phải được đầu tư đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng chuyên canh mẫu lớn, lựa chọn giống, thâm canh kỹ thuật theo công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, Hưng Yên có nhiều giống nhãn, chất lượng không đồng đều, nhất là các giống nhãn ngon như đường phèn, T6, T2... sản lượng còn thấp.
Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã Quyết Thắng khẳng định, để nhãn xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà: khoa học, doanh nghiệp, quản lý, nhà vườn. Cần có sự phối kết hợp ngay từ khi nhãn ra hoa đậu quả đến khi thu hoạch, có sự đầu tư về kỹ thuật thâm canh theo nhu cầu của từng thị trường, có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cần có kho sơ chế, bảo quản sau thu hoạch để thuận tiện cho các doanh nghiệp về thu mua. Hiện nay, các yếu tố này còn hạn chế nên để xuất khẩu với số lượng lớn là khó.
Hiện nay, thời vụ thu hoạch nhãn Hưng Yên đang chuẩn bị kết thúc. Dù vẫn còn ngậm ngùi về một mùa vụ ít quả, giá thấp, nhiều nhà vườn vẫn hy vọng, mong mỏi các cơ quan chuyên môn tìm hướng đi "cùng nông dân bàn cách làm giàu" cho cây nhãn. Để những mùa quả ngọt luôn được giá, cây nhãn mãi là sản vật xứng với tên gọi "Nhãn lồng Hưng Yên - Hương vị tiến vua"./.
>>>Trăn trở mùa nhãn chín: Điệp khúc "cao hơn năm trước"

>>>"Lấy công làm lỗ"


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục