Giải ngân vốn đầu tư công vào chặng nước rút

14:52' - 15/11/2023
BNEWS “Các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2023 được giao", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

“Đề xuất thưởng nóng" hay "Phát động thi đua" là những cụm từ được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện thúc đẩy tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong thời gian niên hạn ngân sách năm 2023 sắp kết thúc.

* Chuyển biến tích cực

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước đến cuối tháng 10/2023, giải ngân vốn đầu tư công là trên 401.860 tỷ đồng, đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn tới 5,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022 (51,34%). Trong đó, chỉ riêng tháng 10/2023, số vốn giải ngân đã lên tới trên 56.165 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số trên 40.000 tỷ đồng của bình quân 10 tháng.

"Kết quả trên cho thấy, những giải pháp, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng hoạt động của các tổ công tác, đoàn công tác của Chính phủ để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công trên cả nước đang phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Năm 2022, cùng thời điểm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt trên 297.774 tỷ đồng. Như vậy, xét về con số tuyệt đối, giải ngân vốn đầu tư công của 10 tháng năm nay cao hơn 10 tháng năm ngoái trên 100.000 tỷ đồng.

Không chỉ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2023 cho thấy, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến ngày 31/10/2023 đạt 72.477 tỷ đồng, tương đương 58,7% kế hoạch vốn năm 2023 đã được các bộ, cơ quan, địa phương phân bổ chi tiết. Tỷ lệ này theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đã có "chuyển biến tích cực hơn" so với tháng 9/2023 (46,1%).

Các con số là tích cực, nhất là khi cho tới thời điểm này, có 8 bộ, cơ quan Trung ương và 27 địa phương giải ngân đạt trên 60% kế hoạch. Tuy vậy, vẫn còn 42 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước.

Hơn thế, do vốn đầu tư công năm nay được bố trí lớn (hơn 700.000 tỷ đồng), nên thời gian 3 tháng còn lại (tính đến hết tháng 1/2024, thời điểm niên hạn ngân sách 2023 kết thúc), phải giải ngân tới trên 300.000 tỷ đồng.

Nếu dựa vào mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, là giải ngân 95%, tức ít nhất là 676.000 tỷ đồng, thì vẫn còn tới trên 274.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được đưa vào nền kinh tế. Một áp lực không nhỏ, nhất là khi trong số này có một ngân khoản không nhỏ của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cần phải giải ngân hết trong năm nay.

 

* Tăng tốc giải ngân đầu tư công

Áp lực đặt ra để đạt được mục tiêu trong năm 2023 là rất nặng nề, do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh, trong chặng đua nước rút, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

"Các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2023 được giao", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Tp. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp. Trong 10 tháng năm 2023, kết quả mới đạt 24.199 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch vốn được giao. Do đó, mới đây, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhằm đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo kế hoạch đề ra; trong đó, quyết tâm mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%.

"Việc phát động thi đua sẽ giúp Thành phố tập trung cao nhất mọi nguồn lực, quyết tâm, kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công", ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho hay.

Một trong những cách làm hay đang được nhiều tỉnh, thành áp dụng trong đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đó là mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai theo dõi, đề xuất tỉnh khen thưởng nóng các đơn vị hoàn thành giải ngân trên 95% vốn đầu tư công. Đồng thời, đề xuất mức kỷ luật với những đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp.

Bên cạnh đó, UBND Đồng Nai cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công. Trong 2 tháng còn lại của năm 2023, các đơn vị phải làm việc xuyên suốt, với tinh thần không có ngày nghỉ; lãnh đạo các đơn vị hạn chế đi công tác xa, nghỉ phép không cần thiết để tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ngay trong năm nay, tỉnh phải giải ngân hết toàn bộ nguồn vốn đầu tư công thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng có kế hoạch vốn lớn và đối mặt với tình trạng giải ngân chậm, Bình Dương đang tiếp tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của địa phương này lên tới 22.172 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay.

Để thúc đẩy giải ngân, Bình Dương chọn giải pháp điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công. Tỉnh vừa ban hành Nghị quyết điều chỉnh 18.675 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, tập trung vào các dự án trọng điểm tại các huyện, thị xã, thành phố có khả năng hấp thụ vốn nhanh. Trước đó, đầu tháng 9/2023, Bình Dương đã chuyển 2.421 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh.

Trong cuộc họp mới đây, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công; trong đó, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt để thi công dự án và kịp giải ngân vốn. Theo dự báo, sau điều chỉnh, khả năng Bình Dương có thể đạt tỷ lệ giải ngân 92,4% kế hoạch năm 2023.

Còn theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để giải ngân vốn đầu tư công sớm về đích, trong những tháng cuối năm 2023 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp cùng với các chủ đầu tư để tham mưu UBND điều chỉnh vốn nội bộ lần cuối trước ngày 15/11 từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân cao có nhu cầu tăng vốn theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 46-CT/TU ngày 28/4/2023.

Đối với các dự án trong 74 dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn, các chủ đầu tư phối hợp với địa phương tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai thi công đúng tiến độ để bảo đảm tỷ lệ giải ngân theo cam kết; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đã phân bổ đối với các nhóm dự án có tỷ lệ giải ngân thấp…

"Đầu tư công thời gian qua đã phát huy vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực để phát triển kinh tế. Do đó, chúng tôi sẽ rà soát, hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục