Giải pháp nào cho vấn đề Facebook?

07:08' - 09/11/2021
BNEWS Gần như mọi quyền lực của Facebook chỉ nằm trong tay ông Zuckerberg. Theo quan điểm của triết gia Kanye West thì “Không một ai nên được phép sở hữu tất cả mọi quyền lực như thế”. Vậy phải làm gì?

Một trong những bí mật được hé lộ đáng lo ngại nhất từ các các tài liệu nội bộ của Facebook, do Frances Haugen, cựu nhân viên của hãng, tiết lộ cho thấy chúng ta biết quá ít về Facebook và hậu quả là hệ thống chính trị không có sự chuẩn bị để đối phó hay làm gì đó để giải quyết vấn đề này.

Tờ New York Times mới đây vừa có bài viết đáng chú ý tập hợp quan điểm về giải pháp đối phó với Facebook của các chuyên gia công nghệ đầu ngành tại Mỹ.

Ngoài những quan ngại cho rằng Facebook đang phá hủy nền tảng chính trị trong nước Mỹ, còn hàng loạt các câu hỏi khác đang được đặt ra với Facebook, Instagram, và WhatsApp mà tất cả các mạng xã hội này đều vừa được người sáng lập Mark Zuckerberg tuyên bố thuộc về công ty có cái tên mới Meta. Instagram có phải là một phần nguyên nhân khiến giới trẻ lo lắng và sợ bị kỳ thị ngoại hình? 

Những thuật toán của Facebook liệu có gây ra bất ổn ở các nước đang phát triển không khi mà công ty này tuyển dụng ít nhân sự làm công việc giám sát hoạt động ở các nước này hơn ở các thị trường lớn nhiều tiềm năng khác? Facebook liệu có gây ra kỳ thị chủng tộc qua các thuật toán mang tính thiên kiến của công ty không? Facebook có phải là nguyên nhân gây chia rẽ xã hội?
Thực chất những băn khoăn này thể hiện mối quan ngại lớn hơn nhiều về quyền lực to lớn đến mức đáng báo động của Facebook. Giờ đây, Facebook là một trong những công ty thu thập thông tin cá nhân của con người lớn nhất thế giới, một trong những nguồn tin tức được lưu thông nhiều nhất trên hành tinh và dường như, Facebook đang sở hữu, ở một mức độ nào đó, khả năng có thể thay đổi cả hướng dư luận công chúng. 

Gần như mọi quyền lực của Facebook chỉ nằm trong tay một mình ông Zuckerberg. Theo quan điểm của triết gia Kanye West thì “Không một ai nên được phép sở hữu tất cả mọi quyền lực như thế”. Vậy phải làm gì? Dưới đây là những quan điểm về giải pháp mà một số chuyên gia đầu ngành tại Mỹ đưa ra:

* Vì sao Facebook lớn mạnh?

Thời Tổng thống Barack Obama vốn khuyến khích công nghệ cho nên khi đó Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang đã cho Facebook nhiều ưu tiên so với các đối thủ tiềm năng phát triển nhanh. Nếu bây giờ tách Facebook thành 3 hay 4 công ty độc lập sẽ giải quyết được sai lầm mang tính pháp lý đó và giảm bớt được quyền lực của ông Zuckerberg đối với diễn đàn ngôn luận toàn cầu. 

Theo ông Matt Stoller, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Tự do Kinh tế, một tổ chức chống độc quyền, làm như vậy sẽ cải thiện được nội dung trên mạng xã hội bởi các nền tảng mới độc lập đó sẽ cạnh tranh với nhau bằng cách tạo ra sự khác biệt thông qua việc tạo ra những sản phẩm tốt hơn và an toàn hơn cho người dùng.
Tuy nhiên, chia tách Facebook mới chỉ là một biện pháp cần, nhưng chưa đủ. Chưa nói đến vấn đề cạnh tranh nhưng sau khi chia tách, sẽ vẫn có tới 3 nhà mạng nắm giữ khối lượng dữ liệu khổng lồ của Facebook và rất nhiều thông tin nội bộ của hãng. 

Chia tách Facebook cũng sẽ là việc phải đối mặt với rất nhiều trở ngại. Luật chống độc quyền của Mỹ từ lâu đã quá nương tay đối với các công ty từ nhiều thập kỷ qua và giờ khó có thể thay đổi được. Tháng Sáu vừa qua, một thẩm phán liên bang đã bác các vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Facebook do 40 bang khởi kiện bởi cho rằng các nguyên đơn không chứng minh được Facebook là mạng xã hội độc quyền.

* Quy định hạn chế nội dung

Cần phải đặt ra quy định về những gì Facebook có thể đăng và không được đăng. Phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã đưa ra đề xuất phải giám sát thông tin sai lệch trên Facebook còn các nghị sĩ của bang Texas và Florida lại muốn cấm các công ty sở hữu mạng xã hội không được tước quyền của những người có những phát ngôn mang tính khích bác, kích động mà một trong những người ủng hộ ý kiến này chính là cựu Tổng thống Donald Trump. 

Tuy nhiên, nếu Chính phủ Mỹ đưa ra luật kiểm soát ngôn luận thì chính phủ lại vi phạm quy định phải bảo vệ tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Hiến pháp.
* Hạn chế quyền hạn của Facebook

Quốc hội Mỹ hoàn toàn có quyền đưa ra luật chỉ cho phép các hãng công nghệ khổng lồ như Facebook và Google thu thập, lưu trữ và sử dụng các thông tin cá nhân ở mức độ nhất định, thậm chí có thể thành lập một cơ quan chuyên trách có quyền điều tra và đảm bảo luật này phải được thực thi nghiêm túc. 

Ông Roger McNamee, một trong những người đầu tư vào Facebook ngay từ những ngày đầu tiên và hiện là người công khai chỉ trích công ty công nghệ này cho rằng cơ quan quản lý của chính phủ cần phải cấm các bên thứ hai và thứ ba sử dụng các thông tin mang tính riêng tư của người dùng Facebook, chẳng hạn như thông tin về sức khỏe, nơi ở, lịch sử các trang web họ đã xem hay dữ liệu từ các ứng dụng (app).
Tất cả các hãng công nghệ khổng lồ, kể cả Apple, đã chỉ trích ngành quảng cáo kỹ thuật số là luôn nhắm tới dữ liệu cá nhân, cũng kiếm được hàng tỷ USD từ quảng cáo và hàng loạt các công ty khác cũng phát triển dựa hoàn toàn vào việc nhắm tới mục tiêu quảng cáo.
* Buộc Facebook phải công bố dữ liệu nội bộ

Giáo sư Nathaniel Persily thuộc trường Đại học Luật Standford cho rằng hiện nay “tất cả đều không biết mình không biết cái gì” khi đề cập tới ảnh hưởng của mạng xã hội đối với thế giới và ông cho rằng cần phải yêu cầu hãng công nghệ khổng lồ mở “hộp đen”, tức là các dữ liệu nội bộ của họ, trước khi có thể đưa ra giải pháp phù hợp. Theo ông, các mạng xã hội lớn phải cung cấp cho các nhà nghiên cứu bên ngoài dữ liệu về người dùng xem gì, các mạng kết nối với người dùng như thế nào và nhà mạng cung cấp những thông tin gì cho các công ty quảng cáo và cho cả chính phủ.
Chủ tịch tổ chức bảo vệ quyền dân sự Color of Change, ông Rashad Robinson, đề xuất rằng các mạng xã hội cần công khai dữ liệu về việc họ thu thập và sử dụng thông tin cá nhân như thế nào, chẳng hạn như chủng tộc, giới, tôn giáo... để các cơ quan quản lý xem các nhà mạng có kỳ thị người dùng theo cách nào đó hay không.
* Nâng cao hiểu biết về kỹ thuật số

Chuyên gia công nghệ Renee Diresta thuộc Stanford Internet Observatory cho rằng cần phải giáo dục để công chúng không tin vào tất cả những gì họ thấy trên mạng và việc giáo dục này không chỉ dành cho học sinh trong các trường mà phải giáo dục cả những người lớn đã trưởng thành. 

Chuyên gia Mike Caulfield thuộc ĐH Washington đã phát triển ra một quy trình 4 bước gọi là SIFT để đánh giá mức độ chính xác của thông tin và ông cho biết các học sinh của ông sau khi áp dụng phương pháp này đã đưa ra được đánh giá chuẩn xác về thông tin mà họ tiếp nhận trong vòng 90 giây chứ không phải mất tới 20 phút như trước đây.
* Không làm gì cả

Thế nhưng, cũng có chuyên gia cho rằng không cần phải làm gì để kiểm soát Facebook. Trong cuốn sách vừa xuất bản có tiêu đề “Tech Panic: Why We Shouldn’t Fear Facebook and the Future,” (tạm dịch: Tại sao không cần phải sợ Facebook và tương lai sắp tới) tác giả Robby Soave cho rằng truyền thông và các nhà làm luật đang phản ứng thái quá về những nguy cơ Facebook có thể gây nên.
Ông không phản đối rằng sự nổi lên của hãng công nghệ khổng lồ này có gây ra những hiệu quả nghiêm trọng, nhưng ông cũng lo ngại rằng một số đề xuất được đưa ra hiện nay có thể càng làm Facebook có thêm tầm ảnh hưởng và điều này được khá nhiều chuyên gia đồng tình. Theo ông, cứ để tự nhiên, tới một lúc nào đó, Facebook sẽ tự đổ. Trên thực tế, nhiều công ty công nghệ từng làm mưa, làm gió đã sụp đổ. Facebook hiện vẫn kiếm được rất nhiều tiền nhưng đã phần nào mất đi lòng tin của người sử dụng, nhiều người làm việc cho công ty cũng bày tỏ bất bình và đã cho rò rỉ thông tin.
Tóm lại, chừng nào các chính trị gia vẫn còn chưa nhất trí được nên giải quyết vấn đề Facebook như thế nào thì có lẽ giải pháp trước mắt là không làm gì cả./.
Hải Vân (P/v TTXVN tại New York)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục