Giải pháp nào giúp tăng năng suất lao động của Việt Nam?

14:58' - 06/08/2019
BNEWS Có nhiều yếu tố khiến năng suất lao động của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN.
Năng suất lao động của Việt Nam có tăng song chủ yếu vẫn theo chiều rộng mà chưa theo chiều sâu. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, nhằm tìm ra các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam, hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sẽ được tổ chức vào ngày 7/8, tại Hà Nội.
Tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”, các nội dung chính sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận như: năng suất lao động và các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với năng suất lao động; mô hình kinh tế mới và tác động đến năng suất lao động; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động quốc gia…
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế... là những yếu tố khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, có nhiều nguyên nhân khiến cho mức năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, theo đó, chủ yếu là do với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỷ trọng thấp.
Ngoài ra, thay đổi năng suất lao động còn được xem xét qua ảnh hưởng của 3 yếu tố: Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, thay đổi năng suất lao động trong nội bộ các ngành, do tác động đồng thời của chuyển dịch cơ cấu lao động và thay đổi năng suất lao động trong nội bộ ngành (còn gọi là tác động tương tác).
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò khá quan trọng vào tăng năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.
Qua nghiên cứu cho thấy, đóng góp của chuyển dịch cơ cấu lao động vào tăng trưởng của năng suất lao động ở nước ta vẫn ở mức cao nhưng có xu hướng giảm, tỷ lệ này trong giai đoạn 2011-2017 đạt 39%, thấp hơn mức 54% của giai đoạn 2000-2010. Điều này cũng phù hợp với quy luật phát triển của các nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi, tăng năng suất lao động sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng năng suất lao động nội ngành.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, đến nay, chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, chủ yếu vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp, làm cho mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn dắt tăng trưởng năng suất lao động nhưng tập trung cao ở những sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp đến trung bình.
Trong khi đó, ngành công nghệ cao tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại hoạt động ở khâu lắp ráp, nhập khẩu linh kiện, có giá trị trong nước tương đối thấp; đồng thời, ngành công nghệ cao chủ yếu tận dụng lao động chi phí giá rẻ, chưa có nhiều tác động lan tỏa đối với khu vực trong nước nên chưa tạo đột phá về tăng trưởng năng suất lao động.
Đó là chưa kể, chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Đến năm 2018, nước ta vẫn còn tới 20,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi năng suất lao động khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 30,4% năng suất lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% năng suất lao động các ngành dịch vụ.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tăng năng suất lao động thông qua chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ rất phổ biến ở các quốc gia có mức độ phát triển thấp. Hiện nay, nước ta vẫn còn dư địa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nhằm tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.
“Do đó, để tránh quá trình kéo dài mới bắt kịp các nước về năng suất lao động, Việt Nam cần quan tâm và nỗ lực nhiều hơn để nâng cao năng suất lao động trong các doanh nghiệp, qua đó chuyển dần theo xu hướng mới và phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, đó là yếu tố tăng năng suất nội ngành đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục