Giảm rác thải nhựa trên biển: Bài 1 - "Ô nhiễm trắng" hiện hữu

08:12' - 08/12/2019
BNEWS Tình trạng ô nhiễm môi trường biển Việt Nam do rác thải nhựa đang tác động đến hệ sinh thái, sinh vật và sức khoẻ con người.
Thu dọn rác thải ni long trên bờ biển. Ảnh: TTXVN

Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, được chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm.

Cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến quốc tế, cam kết chính trị mạnh mẽ và triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.

Để làm rõ hơn thực trạng ô nhiễm môi trường biển Việt Nam do rác thải nhựa, các tác động đến hệ sinh thái, sinh vật và sức khoẻ con người, cũng như các giải pháp quản lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa... TTXVN giới thiệu 2 bài về "Giảm thải rác thải nhựa trên biển".

Bài 1 - "Ô nhiễn trắng" đang hiện hữu

Rác thải nhựa đại dương không chỉ là vấn đề lớn, phức tạp ở quy mô, phạm vi, mà cả về mặt tri thức, hiểu biết, cũng như quá trình phát sinh, phát tán, biến đổi, đặc biệt là những tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế-xã hội, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe của con người.

* Rác thải nhựa đổ vào biển gia tăng

Giáo sư Tiến sỹ Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cảnh báo: Một trong những vấn nạn nhức nhối về môi trường, mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ được thải ra đại dương mỗi năm, trong đó có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa.

Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn.

Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, dự báo tới năm 2050, toàn cầu có thể sản xuất tới gần 1.124 triệu tấn nhựa.

Việc lạm dụng quá mức sản phẩm nhựa và thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích, sẽ xuất hiện một loại chất thải nhựa tràn lan trong môi trường gây nên "ô nhiễm trắng".

Do thời gian phân hủy quá chậm, trong khi đó thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa gây tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, du lịch biển phát triển nhanh. Trong khi đó năng lực quản lý, nhận thức của những người có trách nhiệm và điều hành còn hạn chế, dẫn đến các hoạt động du lịch đã vượt khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường.

Hiện nhiều khu du lịch biển (Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc...) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thùy Vân, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Theo tính toán của Viện, mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày đêm, trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày.

Vấn nạn "ô nhiễm trắng" tại các khu du lịch biển đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), sau 3 chiến dịch thu gom rác kể từ năm 2016, tại 4 km của Vịnh Hạ Long, đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là nhựa và túi nilon.

Riêng trong năm 2017, lượng rác được nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thu gom lên đến hơn 2.000 tấn. Tại một số đảo điển hình như đảo Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm..., nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng ngày một gia tăng.

Tới năm 2020, lượng chất thải rắn trên đảo Cát Bà sẽ tăng 2,51 lần. Trong khi các bãi rác hiện tại của đảo đều trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các bãi rác được xây dựng quá lâu, xuất phát điểm ban đầu đều là các bãi đổ rác tạm, thiết kế bãi rác không đúng tiêu chuẩn, không có xử lý nước rác và khí, đặc biệt bãi rác chính là Đồng Trong không được xử lý, nên nguy cơ gây ô nhiễm nước ngầm.

Còn tại đảo Phú Quốc, mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ gom tập kết về các bãi rác được khoảng 150 tấn. Như vậy có thể thấy, lượng rác thải nhựa hiện nay tại các khu du lịch biển là rất lớn, trong khi đó, lượng khách du lịch sẽ không ngừng tăng lên.

Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra những hệ lụy nhất định đến môi trường.

Lượng khách du lịch quá lớn sẽ xả thải lượng lớn chất thải, trong khi tỷ lệ thu gom chất thải rắn theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2017 chỉ đạt khoảng 70-80%, hầu như không được xử lý, chỉ chôn lấp, làm vượt quá khả năng xử lý và tự phục hồi của môi trường.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn, còn ở biển theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm khoảng 50 - 80% lượng rác thải biển.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã thống kê, năm 2018, Việt Nam thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới.

Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong năm qua, ở mức khoảng 0,50 triệu tấn.

Như vậy, Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng phải có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả và giảm thiểu chất thải nhựa thải ra môi trường.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu Dư Văn Toán, Mai Kiên Định, Phạm Văn Hiếu-Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo; Nguyễn Thùy Vân-Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2020 dự báo khoảng 206.100 tấn, có thể chiếm đến gần 40% tổng rác nhựa ra biển.

Nếu không có biện pháp xử lý, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu lượng phát sinh chất thải nhựa, nguy cơ vượt quá sức chịu tải của môi trường là không tránh khỏi.

* Tác hại của hạt vi nhựa

Giáo sư Tiến sỹ Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Các hệ sinh thái biển và ven biển khỏe mạnh là điều cần thiết đảm bảo cho sự phát triển bền vững không ngừng của xã hội loài người.

Biển là nơi hấp thụ nhiệt lớn và cacbon dioxide của khí quyển, là nơi cung cấp một bộ đệm quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Biển đóng góp cho sự thịnh vượng của con người theo nhiều cách, như cung cấp protein từ nghề cá, duy trì các chu trình tự nhiên khác nhau và cũng là nơi nghỉ dưỡng và nguồn giải trí về văn hóa và tinh thần.

Gần đây, sự tích tụ chất thải nhựa trong đại dương bắt nguồn từ cả đất liền và đại dương là một vấn đề môi trường nghiêm trọng đang nổi lên.

Kết quả phân tích cho thấy chất thải nhựa, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thông qua các cơ chế khác nhau hình thành các hạt vi nhựa ảnh hưởng mạnh đến cấu trúc thành phần loài sinh vật biển, qua đó ảnh hưởng tới các chức năng của hệ sinh thái.

Việc suy giảm hệ sinh thái này được chứng minh là có ảnh hưởng tới sức khỏe và phúc lợi của con người.

Nghiên cứu về tác hại của hạt vi nhựa lên môi trường nói chung và lên biển nói riêng của nhóm tác giả Dương Thanh Nghị, Đinh Hải Ngọc và Lê Văn Nam thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường Biển-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy: Nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy rất chậm.

Những mảnh rác thải nhựa lớn sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm và phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

Do các dòng hải lưu, các hạt nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển. Khi các động vật nuốt phải, các hạt nhựa vụn bị mắc trong khí quản, gây ngạt thở, hoặc làm tắc hệ tiêu hóa, gây nguy hại cho các loài động vật, thậm chí dẫn đến tử vong.

Đáng lo ngại hơn là những hạt nhựa siêu vi (rất nhỏ) đến từ 2 nguồn do rác thải nhựa phân hủy; từ những hạt nhựa siêu nhỏ có trong mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem đánh răng..., có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển.

Sau đó, con người ăn vào các sinh vật biển này dẫn đến tích tụ chất vi nhựa trong cơ thể.

Tiến sỹ Dương Thanh Nghị, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển nhận định: Rác thải nhựa, trong đó có hạt vi nhựa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch, cảnh quan môi trường và những tác động trong hệ sinh thái biển.

Giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang lại lợi ích to lớn trong bảo vệ cảnh quan, phát triển du lịch và bảo vệ được nơi sinh sống của các loài sinh vật biển.

Để giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và hạt vi nhựa nói riêng ra biển, cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội và các bộ ngành liên quan.

Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa. Tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chủ chốt về lĩnh vực ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

Tăng cường tuyên truyền, giám sát và phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ gây hại tổn thương đến môi trường biển và hải đảo. Tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề bảo tồn, giám sát biển và rác thải nhựa ở biển./.

(Bài cuối – Hướng đến không rác thải nhựa đại dương)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục