Gian truân đưa “điện sạch” lên lưới: Bài 1 - Đường dây đầy tải

18:03' - 01/03/2022
BNEWS Sự gia tăng nhanh chóng của các loại hình năng lượng tái tạo trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện sụt giảm do tác động của dịch COVID-19 khiến việc vận hành và quản lý lưới điện gặp nhiều khó khăn.

Điều này đòi hỏi các đơn vị truyền tải có sự phối hợp tốt với các trung tâm điều độ, chủ đầu tư nhà máy.

Bài 1: Đường dây đầy tải

Theo báo cáo của Công ty Truyền tải Điện 3 (PTC3), đến hết năm 2021, tổng công suất điện năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải do đơn vị quản lý là 4.664 MW, chiếm 35% tổng công suất đặt của khu vực. Tỷ lệ năng lượng tái tạo tham gia nhiều vào lưới đang khiến đơn vị này gặp khó trong vận hành, nhiều nhà máy đã bị cắt giảm công suất.

Công ty Truyền tải Điện 3 cho biết, tính đến hết năm 2021 vừa qua, tổng công suất theo thỏa thuận đấu nối của đơn vị gồm: Điện gió là 23 nhà máy với tổng công suất 2.200 MW; điện mặt trời là 34 nhà máy với tổng công suất khoảng 3.600 MW.

Riêng phần đấu nối lưới phân phối, tức đấu vào lưới điện của 9 điện lực tỉnh thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) và Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là: Cấp điện áp 110 kV gồm 61 nhà máy điện mặt trời là 2.308 MW; điện mặt trời trang trại và áp mái đấu nối ở cấp điện áp dưới 22 kV là 2.755 MW. Như vậy tính cả phần nguồn năng lượng tái tạo phía lưới phân phối tại khu vực là 53%.

Cũng theo PTC3, sản lượng điện của nguồn năng lượng tái tạo đấu nối lưới phân phối ngoài việc cung cấp điện cho 9 Công ty Điện lực, đơn vị đã phát ngược lên lưới điện truyền tải qua các máy biến áp 220 kV là gần 6 tỷ kWh, tăng 168,7% so với năm 2020.

Như vậy, lưới điện truyền tải ngoài việc nhận điện từ hệ thống 500 kV và 220 kV từ các nhà máy điện trong khu vực cung cấp cho phụ tải, còn tiếp nhận sản lượng lớn phát ngược từ lưới điện phân phối qua các máy biến áp 220 kV hòa vào lưới điện quốc gia.

Ông Đinh Văn Cường, Phó giám đốc PTC3 cho biết, do tốc độ phát triển nhanh của các nguồn điện mặt trời trong thời gian ngắn đã làm cho một số đường dây 220 kV, máy biến áp 220 kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai vận hành đầy tải.

Hiện nay, các Trung tâm Điều độ A0, A2, A3 đang phải áp dụng biện pháp thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện để điều hòa công suất, tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây 220 kV còn non tải.

Trong năm 2021 vừa qua, nhờ chủ động tính toán và phối hợp tốt giữa các nhà máy năng lượng tái tạo, PTC3 và các đơn vị điều độ đã có nhiều biện pháp hạn chế tình trạng quá tải.

Cụ thể như từ cuối năm 2021, sau khi máy biến áp AT1 500 kV-450 MVA tại trạm 500 kV Pleiku2 được nâng công suất lên 900 MVA, đã giải quyết được tình trạng đầy tải của các máy biến áp 500 kV tại trạm Pleiku, Pleiku2.

Dù vậy, ông Cường cho hay, vẫn còn một số đường dây, trạm biến áp vẫn còn vận hành trong tình trạng đầy tải.

PTC3 đã phải tăng cường tần suất giám sát thiết bị trong trạm biến áp; đo nhiệt độ tiếp xúc lèo, mối nối và hành lang tuyến đường dây để kịp thời khắc phục, xử lý hiện tượng bất thường; đối với đường dây đầy tải phải thực hiện đo, kiểm tra phát nhiệt 2 lần/1 tháng, đối với những điểm có nguy cơ phát nhiệt, tiến hành đo 1 lần/1tuần; đối với các máy biến áp vận hành đầy tải tăng cường đo, kiểm tra phát nhiệt 1 lần/1 tháng, đối với những điểm có nguy cơ phát nhiệt, tiến hành đo 1 lần/1tuần trong 3 ca liên tục; đặc biệt phải điều chỉnh công suất phát xử lý đầy tải, quá tải.

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Đại diện Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, mặc dù các cấp điều độ cũng đã đưa ra phương thức vận hành tối ưu, nhằm giảm 1 phần cắt giảm công suất của các nhà máy.

Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp trong suốt năm 2021, tình trạng phụ tải thấp, hệ thống truyền tải điện chưa phát triển kịp thời với sự phát triển của các nhà máy năng lượng mặt trời tại khu vực Ninh Thuận nên các nhà máy ở khu vực thường xuyên gặp tình trạng bị cắt giảm công suất ở những khung giờ cao điểm.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện (A0) cho biết, tính đến nay, đã có khoảng hơn 4.000 MW điện gió, 8.900 MW điện mặt trời và 7.600 MW điện mặt trời mái nhà vận hành, tham gia vào hệ thống lưới điện; trong đó, phần nhiều tập trung tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, lưới điện các tỉnh do PTC3 quản lý, vận hành.

“Sự tham gia của nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo khiến cho việc dự báo khả năng phát của đơn vị gặp khó khăn, phụ tải hệ thống ảnh hưởng bởi nguồn điện mặt trời. Do ưu tiên huy động năng lượng tái tạo nên các đơn vị cũng đã phải giảm huy động nguồn điện truyền thống dẫn đến suy giảm quán tính hệ thống.

Trong năm 2021 vừa qua, các đơn vị đã phải ngừng/khởi động các tổ máy tuabin khí do ưu tiên khai thác năng lượng tái tạo tới 1014 lần. Chỉ tính riêng với cụm Phú Mỹ thuộc EVN, từ năm 2010-2020, ngừng/khởi động 303 lần, nhưng riêng năm 2021, con số này đã là 397 lần…”, đại diện A0 cho hay…/.

Xem thêm:

>>Bài cuối: Phối hợp vận hành, giảm sự cố lưới điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục