Gió đổi chiều trên thị trường chứng khoán Phố Wall

05:30' - 15/09/2021
BNEWS Khi bước vào giai đoạn phục hồi, câu hỏi đặt ra là về lâu dài, triển vọng thị trường chứng khoán sẽ ra sao khi những khó khăn bắt đầu xuất hiện trên cả phương diện tăng trưởng và tiền tệ.
Sàn gao dịch chứng khoán New York. Ảnh: THX/TTXVN

Cảm giác hưng phấn đang dần nhường chỗ cho sự thận trọng trên các thị trường chứng khoán thế giới. Việc Mỹ dự kiến thắt chặt chính sách tiền tệ, kết hợp với sự thay đổi của các động lực kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đang có chiều hướng tăng trưởng tốt, đang khiến các chuyên gia chiến lược Phố Wall lo ngại.

Theo nhật báo Les Echos số ra ngày 12/9, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Không khí phấn khởi khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang dần phai nhạt trên các thị trường, nhường chỗ cho sự thận trọng nhuốm màu lo lắng. Trong tuần trước, hầu hết các chỉ số chứng khoán đều chìm trong sắc đỏ, bao gồm ba chỉ số chính trên Phố Wall là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq. Mặc dù ngày 14/9, phần lớn những chỉ số này đã đảo chiều tăng nhẹ, song sự lo lắng dường như vẫn đang tồn tại đâu đó trên thị trường.

Một năm qua có thể coi là năm thành công của các nhà đầu tư chứng khoán với bảy tháng tăng liên tục. Chỉ số chứng khoán toàn cầu (MSCI toàn cầu) đã tăng 16% trong năm 2021, nhờ sức bật của thị trường châu Âu và Mỹ, với mức tăng của chỉ số CAC 40 của Pháp là khoảng 20% và của S&P 500 là 19%. Thậm chí, S&P 500 còn thiết lập một kỷ lục lịch sử mới vào đầu tháng Chín, tương tự như Nasdaq.

Thị trường cổ phiếu đã vượt mức trước khủng hoảng từ lâu. Khoảng cách chênh lệch đặc biệt ấn tượng ở Mỹ với chỉ số S&P 500 cao hơn 30% so với mức đỉnh đạt được trước đại dịch toàn cầu, và Nasdaq là hơn 50%. Tại Pháp, CAC 40 đang tăng khoảng 10% so với mức đỉnh vào tháng 2/2020.

* Nền kinh tế Mỹ lấy lại quy mô trước khủng hoảng

Với các chỉ số tăng trưởng tích cực như vậy, một số người tin rằng các nhà đầu tư đã thắng lớn, đặc biệt là ở Mỹ. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn phục hồi, câu hỏi đặt ra là về lâu dài, triển vọng sẽ ra sao khi những khó khăn bắt đầu xuất hiện cả trên phương diện tăng trưởng, hay trong lĩnh vực tiền tệ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) đang có kế hoạch "cắt giảm" chương trình mua tài sản sắp tới.

Tất cả các nhà phân tích chiến lược của thị trường Phố Wall đều có những nhận định bi quan dù họ đến từ Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of America hay Citigroup. Một chuyên gia kinh tế của Goldman đã nhận định, các luận thuyết cho rằng vai trò siêu cường của Mỹ vẫn đang được duy trì dường như đã trở nên thiếu thuyết phục.

Trên thực tế, ngân hàng trung ương Mỹ đã cố gắng hết sức để trấn an thị trường. Fed cảnh báo trước về ý định giảm dần việc mua tài sản. Với những thành tựu kinh tế đã đạt được, chắc chắn việc thu hẹp quy mô chương trình này sắp xảy ra sẽ không dẫn đến tình trạng khủng hoảng niềm tin giống như năm 2013.

Tuy vậy, hiện vẫn còn một ẩn số đang tồn tại, đó là lạm phát. Nếu lạm phát cao hơn và dài hơn dự kiến, Fed có thể sẽ phải đẩy nhanh kế hoạch để tránh gây bất ổn cho thị trường. Việc đẩy nhanh quá trình tăng lương trên toàn quốc là điều cần lưu ý. Động thái này có thể khiến các công ty tăng giá và điều đó sẽ thúc đẩy lạm phát.

Theo Fed chi nhánh Atlanta, việc tăng 4,8% đối với mức lương tối thiểu đang khiến lạm phát tiền lương tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2002. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế toàn cầu đã bắt đầu suy yếu, thậm chí thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế kể từ mùa Hè năm nay. Tại Mỹ, dự báo tăng trưởng của Fed chi nhánh Atlanta trong quý III/2021 đã được điều chỉnh từ 6,3% xuống chỉ còn 3,7%.

* Các thị trường Mỹ dễ bị tổn thương

Những dự báo điều chỉnh theo hướng giảm xuống này đặc biệt có liên quan đến những khó khăn về nguồn cung của các công ty. Sản xuất ô tô bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng lĩnh vực này không phải là duy nhất. Giá container tăng chóng mặt, gây áp lực lên nhiều ngành hàng.

Các thị trường Mỹ đều dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro này. Tuy nhiên, tốc độ và sức mạnh của sự phục hồi kinh tế vẫn củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. S&P 500 đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại với mức tăng 54 lần trong năm nay. Hiện tượng tương tự như thế này mới chỉ xảy ra hai lần kể từ năm 1945.

Theo tính toán của các chuyên gia Citigroup, các hợp đồng đặt cược chỉ số S&P 500 tăng (long position) hiện nhiều gấp mười lần so với hợp đồng đặt cược chỉ số này giảm (short position). Họ ước tính một nửa trong số đó sẽ bị thua cược khi chỉ số này giảm 2,2%. Trong bối cảnh này, các chuyên gia cảnh báo rằng một sự điều chỉnh nhỏ cũng có thể bị khuếch đại bởi việc buộc phải thanh lý các hợp đồng "long position"; động thái này có thể khiến thị trường giảm sâu hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục