Giúp công nhân dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội

07:08' - 05/08/2024
BNEWS Bài toán an cư cho người lao động đang ngày càng trở nên cấp thiết tại các đô thị, khu cụm công nghiệp lớn khi nhu cầu ngày một tăng cao trong khi nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tuy nhiên với Bắc Ninh, là một tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, tập trung nhiều công nhân thì lại ngược lại. Mặc dù tỉnh đã xây dựng nhiều dự án nhà ở, trong khi người lao động lại chưa tiếp cận được nhiều. Điều này đặt ra vấn đề cần có chính sách hỗ trợ, thu hút công nhân đến với các dự án nhà ở xã hội.

* Xây nhiều, bán chưa được bao nhiêu 

Dự án Khu nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp tại phường Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh do Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng làm chủ đầu tư là một trong những dự án nhà ở công nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đến nay, số lượng căn hộ được bán, cho thuê rất ít. 

Ông Nguyễn Văn Toán, Ban Quản lý Dự án án khu nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp tại phường Hồ cho biết: Được xây dựng từ năm 2019, tổng mức đầu là trên 920 tỷ đồng, dự án có quy mô 4,5 ha, gồm 4 tòa nhà với tổng số 1.400 căn nhà ở công nhân. Đến nay, công ty đã khởi công xây dựng 2 toà chung cư với khoảng 648 căn hộ. 

 “Trước khi mở bán, công ty đã khảo sát tại 30 doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại thị xã Thuận Thành với hơn 3.000 công nhân, người lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ công nhân đăng ký mua, thuê nhà chiếm 0,17%. Thực tế, đến nay, doanh nghiệp mới chỉ bán, cho thuê 130 căn hộ”, ông Nguyễn Văn Toán nói.

Thời gian qua, mỗi ngày doanh nghiệp tiếp 8-10 người có nhu cầu tìm hiểu, thuê, mua căn hộ. Tuy nhiên, hầu hết là những đối tượng nằm trong quy định được mua nhà ở xã hội, không thuộc đối tượng nhà ở công nhân. Căn hộ hoàn thiện người đúng đối tượng ít có nhu cầu, người không thuộc đối tượng lại có nhu cầu rất lớn. Hiện, công ty đã gửi văn bản đề nghị được bổ sung các nhóm đối tượng được mua, thuê nhà ở tại dự án đến các cơ quan quản lý nhà nước, UBND tỉnh, Bộ Xây dựng…nhưng vẫn chưa được giải quyết. 

Tương tự, Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong Khu công nghiệp tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong (9,8 ha) và Khu nhà ở và dịch vụ cho cán bộ công nhân viên Khu công nghiệp Yên Phong, tại xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (51 ha) do Tổng Công ty Viglacera triển khai đến nay cũng gặp nhiều khó khăn. 

Đại diện chủ đầu tư cho biết: Với hai dự án này, chủ đầu tư đã hoàn thành 1.581 căn hộ chung cư nhưng đến nay mới bán và cho thuê được khoảng 200 căn hộ. Theo chủ đầu tư dự án, việc tồn số lượng lớn căn hộ và dự án triển khai chậm là do dự án chỉ cho các đối tượng là công nhân khu công nghiệp nơi có dự án được thuê, mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, các đối tượng khác có nhu cầu như công nhân, người lao động của doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp lại không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. 

Tổng Công ty Vigracera đã đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện cho phép các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê, mua nhà ở xã hội để cho người lao động của mình ở với giá thuê thấp hơn giá thuê của chủ đầu tư hoặc ở miễn phí nhằm tạo điều kiện ăn ở ổn định cho người lao động. Đồng thời, cho phép mở rộng cho tất cả các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội cho các dự án. 

 

* Vào cuộc gỡ khó

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tuấn Dũng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với tổng diện tích đất khoảng 173 ha với hơn 77.000 căn hộ cho khoảng 231.000 người; trong đó, có 21 dự án nhà ở dành cho công nhân với tổng diện tích đất khoảng 91 ha đáp ứng 45.000 căn hộ. 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang triển khai thực hiện dự án Khu thiết chế của công đoàn tại khu công nghiệp Yên Phong, với quy mô 4,28 ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khi hoàn thiện sẽ đáp ứng khoảng 900 căn cho khoảng 2.800 người. 

Tuy nhiên các dự án nhà ở công nhân còn gặp khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng. Một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng do người dân vẫn chưa đồng thuận đền bù, đấu nối hạ tầng, về vốn vay.

Đặc biệt, về thủ tục đầu tư, có một số dự án được thực hiện lựa chọn sau khi đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định thì gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Bởi, đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại khu vực dự án rất ít. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội khác đủ điều kiện là rất cao lại không được mua, thuê, thuê mua nhà tại các dự án này. 

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tuấn Dũng cho hay, để tháo gỡ khó khăn nêu trên, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn đối với các dự án nhà ở xã hội. Tại hội nghị Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện chủ động nghiên cứu, rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2023 để đảm bảo việc áp dụng Luật mới ngay sau khi có hiệu lực được khả thi. Trên cơ sở những khó khăn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nghiên cứu đóng góp ý kiến liên quan các nội dung vướng mắc vào các dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn các luật trên. 

Cùng với đó, tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc giành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

>>> Cấp thiết xây dựng nhà ở xã hội - Bài 1: Vướng ở đâu, gỡ ở đó

>>> Cấp thiết xây dựng nhà ở xã hội - Bài cuối: Thêm cơ chế mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục