Gỡ nút thắt cơ chế để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tiến bước

15:18' - 01/02/2019
BNEWS Bước sang năm 2019, dự báo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố còn nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp.

Kết thúc năm 2018, các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Tp. Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành, tăng trưởng kinh tế đạt 8,3%, thu ngân sách vượt dự toán được giao, đạt 378.543 tỷ đồng, chiếm 27,8% cả nước.

Bước sang năm 2019, dự báo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố còn nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp. Để đạt được các nhiệm vụ đề ra; trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách gần 400.000 tỷ đồng đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới, dám nghĩ dám làm của cán bộ và người dân thành phố.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò hết sức quan trọng của việc tháo gỡ nút thắt về cơ chế để thành phố phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của mình.

*Giao quyền mạnh mẽ hơn nữa

Đường Võ Văn Kiệt, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh:Hoàng Hải/TTXVN

Vừa qua, làm việc với lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh, bên cạnh việc đánh giá cao các kết quả mà thành phố đã đạt được trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những hạn chế, tụt hậu của thành phố liên quan đến vấn đề về cơ chế, chính sách chưa được làm rõ, gây khó khăn, trở ngại cho thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Trung ương sẽ cùng Tp. Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn trên tinh thần chắc chắn, chặt chẽ, giao quyền mạnh mẽ hơn trong một số vấn đề, để đầu tàu kinh tế của cả nước tiếp tục tiến bước, không chỉ so sánh với một số thành phố ở khu vực Đông Nam Á mà còn hướng tới các thành phố lớn khác ở châu Á.

Nhấn mạnh đến lợi thế về tiềm năng, tiềm lực của Tp. Hồ Chí Minh về con người, truyền thống cách mạng, tinh thần đổi mới, sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Tp. Hồ Chí Minh cần đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, coi phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là lối ra, thực hiện hiệu quả việc hoạch đô thị, xây dựng đô thị vệ tinh theo hướng liên kết vùng, phát triển hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc tiếp tục phân cấp, giao quyền để Thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo hướng quyết liệt, đồng bộ và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.

Sự quan tâm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ sẽ tiếp tục là động lực, nguồn động viên lớn lao để Tp. Hồ Chí Minh tự tin bước tới. Nói về nhiệm vụ kinh tế xã hội trong năm 2019, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ tập trung triển khai 8 giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; triển khai hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội để tạo động lực hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,3% - 8,5% trong năm 2019; tiếp tục triển khai 7 chương trình đột phá của thành phố và đề án đô thị thông minh; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khu đô thị sáng tạo phía Đông; tăng cường phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; quyết liệt giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động thông tin những vấn đề người dân quan tâm về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội.

*Nhiều kiến nghị quan trọng

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều kiến nghị quan trọng lên Trung ương; trong đó, tập trung đề xuất việc tháo gỡ một số nút thắt về cơ chế. Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố thực hiện thí điểm việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), số 2 (Bến Thành – Tham Lương), UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì, phối hợp thành phố sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư dự án theo quy định, đồng thời ưu tiên bố trí vốn giải ngân cho dự án theo hiệp định vay đã ký, theo tiến độ thực hiện và quy định của Luật đầu tư công.

Đáng chú ý, Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu, tối đa ban hành kèm theo Nghị định số 104 ngày 14 /11/2014 của Chính phủ làm cơ sở để thành phố xây dựng Bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, tránh thất thu thuế nhà đất đối với các trường hợp áp dụng theo Bảng giá đất.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành Nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố về một số nội dung.

Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định cơ chế phối hợp giữa thành phố và các bộ, ngành trong việc rà soát sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn.

Đề xuất Chính phủ bổ sung cơ chế xử lý hành chính đối với trường hợp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Trong thời gian chờ bổ sung cơ chế, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn thành phố thực hiện việc thu hồi nhà đất đối với các trường hợp nêu trên.

Về lĩnh vực xây dựng, hạ tầng giao thông, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể, thống nhất việc tổ chức thực hiện việc xác định danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở, bảo đảm phù hợp pháp luật và bảo đảm quốc phòng, an ninh; cho phép thành lập thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý.

Bên cạnh đó, cho phép thành phố tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư; chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; cho phép chuyển đổi công năng, quy hoạch toàn bộ 1.800m cầu cảng tại khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội thành cảng hành khách cho các tàu khách quốc tế, nội địa, tàu nhà hàng.

Đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực 4,3 ha đất nằm ngoài ranh quy hoạch để Thành phố triển khai các chính sách đền bù, hỗ trợ cho 321 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất của người dân khi triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Trung ương cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô giảm từ 10 lô đất. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,11 tỷ USD giảm, còn 6 lô đất, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD và rút gọn thành phần nhà đầu tư tham gia dự án từ 7 nhà đầu tư xuống còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, triển khai nhiều đề án quan trọng như xây dựng khu đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, 7 chương trình đột phá,…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục