Hệ thống tài chính đa cực: Lời giải cho sự suy yếu của đồng bạc xanh

05:30' - 17/09/2019
BNEWS Một ngày nào đó, đồng tiền số - tương tự như đồng tiền số Bitcoin hay đồng Libra của Facebook - có thể thay thế đồng đô la Mỹ (USD) để trở thành “đế vương” của thị trường ngoại hối.
Hệ thống tài chính đa cực: Lời giải cho sự suy yếu của đồng bạc xanh. Ảnh: TTXVN

Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney, được đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp thường niên gần đây nhất giữa các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới tại thành phố Jackson Hole, Wyoming. 

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh đồng USD đang dần mất đi sức hấp dẫn do tiến trình toàn cầu hóa và sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới, các ngân hàng trung ương có thể chuyển hướng sang phát triển và “nuôi dưỡng” một đồng tiền số mới. 

* Tài sản chính trị lớn nhất đang suy yếu…

Từ năm 1944, USD đã trở thành đồng tiền tham chiếu của thế giới khi thỏa thuận Bretton Woods bắt đầu có hiệu lực. Vào thời điểm đó, phần lớn các đồng tiền tệ chủ chốt đều được định giá dựa trên đồng bạc xanh và “việc sở hữu một đồng tiền tệ thống trị toàn cầu được coi là tài sản chính trị lớn nhất của nước Mỹ”, theo nhận định của chuyên gia Philippe Waechter, Giám đốc mảng tư vấn của công ty quản lý tài sản Ostrum Asset Management.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giữa bối cảnh bất ổn địa chính trị đang khiến nhiều ngân hàng trung ương giảm mạnh tỷ lệ USD trong kho dự trữ ngoại tệ, vị thế thống trị của đồng bạc xanh đã bị lung lay đáng kể. 

Giới chuyên gia dẫn một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng trong quý I/2019, tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại tệ toàn cầu chiếm gần 62%, nhiều gấp 2 lần tổng tài sản nước ngoài bằng euro, yen và Nhân dân tệ (NDT).

Mặc dù vậy, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng JP Morgan Chase Jim Glassman lại cho rằng việc tích trữ đồng USD ở nước ngoài là hậu quả của sự mất cân bằng thương mại và tuy được coi là một “nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh thị trường rối loạn, đây không phải là một bằng chứng cho niềm tin vào đồng tiền nước Mỹ.

Thậm chí, các chuyên gia của JP Morgan Chase, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ, cho rằng trong tương lai, đồng USD sẽ đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu và viễn cảnh này nhiều khả năng sẽ xảy ra khá sớm. 

Năm 2018, các nền kinh tế Argentina, Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bán tổng cộng gần 200 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Nguyên nhân có thể kể đến là một số nước cần tiền mặt để ổn định nền kinh tế của họ, trong khi các nước khác muốn thoát khỏi tài sản Mỹ vì có mâu thuẫn với Washington.

Tờ báo hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ Sabah nhận định mục tiêu của nhiều quốc gia là giảm sự phụ thuộc vào đồng USD để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Hầu hết mọi thứ đã được bán gần hết, theo báo này. 

Trong khi đó, Trung Quốc - chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ (nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ) hiện đang dẫn đầu xu thế này. Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, Bắc Kinh đã cắt giảm 60 tỷ USD lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ trong vòng một năm qua. Hồi tháng 4/2019, nước này tiếp tục bán thêm 20 tỷ USD, đưa tỷ lệ nắm giữ xuống mức thấp nhất trong hai năm qua.

* … và phương án thay thế tiềm năng

Trong bối cảnh đó, theo gợi ý của Thống đốc Carney, các ngân hàng trung ương có thể cứu vãn tình hình bằng cách tạo ra một đồng tiền điện tử mới của riêng mình, ví dụ đồng Libra của Facebook.

Ông Carney cho rằng một hệ thống tài chính đa cực là điều tuyệt vời nhất mà các thị trường cần vào thời điểm này nhằm làm suy yếu “sức ảnh hưởng vượt trội” của đồng USD đối với hệ thống thương mại toàn cầu.

Chính vì vậy, Thống đốc BoE cho rằng câu hỏi mở được đặt ra lúc này là liệu khu vực công có phải đối tượng tốt nhất để cung cấp một đồng tiền số chủ đạo như vậy, có thể là thông qua một mạng lưới các đồng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương, hay không? 

Trong bài viết trên trang phân tích thị trường Marketwatch, chuyên gia kinh tế Peter Morici đến từ trường đại học University of Maryland, nhận định đồng Libra đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Mỹ với những lo ngại về hoạt động rửa tiền và các vấn đề liên quan khác.

Tuy nhiên, nếu được quản lý đúng cách, đồng tiền này sẽ đặt ra một thách thức lớn và thậm chí có thể thay thế đồng USD để trở thành loại tiền tệ được lựa chọn trong các giao dịch quốc tế hợp pháp.

Giống như Bitcoin, Libra cho phép các giao dịch thanh toán được thực hiện dựa trên nền tảng số và thông qua công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Mạng lưới 2,4 tỷ người dùng của Facebook được coi là lợi thế lớn giúp đồng tiền này có tiềm năng được chấp nhận rộng rãi, đặc biệt là tại những quốc gia đang phát triển, nơi nhiều người không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng đáng tin cậy

Sự khác biệt lớn nhất của đồng Libra so với Bitcoin đó là Libra ra đời với rất nhiều tên tuổi lớn hậu thuẫn, như Mastercard, Visa và Paypal, bên cạnh một số công ty thương mại điện tử và viễn thông quan trọng, cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm. Mỗi nhà tài trợ này đã đầu tư khoảng 10 triệu USD cho đợt ra mắt đầu tiên của đồng tiền số Facebook.

Những khoản đầu tư đó, cùng với số tiền thu về từ việc bán đồng Libra, sẽ được sử dụng để thiết lập hạ tầng thanh toán số và mua lại một số đồng tiền tệ nổi bật trên thế giới, ví dụ như đồng USD, đồng euro, đồng yen Nhật Bản, cũng như đầu tư vào chứng khoán chính phủ.

Bằng cách này, đồng Libra sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các khoản dự trữ ngoại tệ. Đây có lẽ là ưu điểm lớn nhất của Libra so với đồng USD, bởi lâu nay đồng bạc xanh luôn là đồng tiền tệ dự trữ cuối cùng và hoàn toàn không có sự hậu thuẫn đáng kể nào ngoài một số công cụ như vàng, niềm tin và những chính sách tín dụng đầy đủ của Chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, trong khi giá trị của các đồng tiền tệ quốc gia, bao gồm cả đồng USD, thường xuyên biến động mạnh mẽ, đồng tiền số Libra tập trung vào việc hình thành một nền tảng ổn định, được hỗ trợ bởi các tài sản thực và Libra không neo vào một đồng tiền duy nhất, mà vào một rổ các đồng tiền tệ chủ chốt khác nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục