Hiện tượng nhất thời hay thay đổi sâu rộng trên thị trường lao động Mỹ?

06:30' - 19/11/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động Mỹ bị thu hẹp, trong khi người lao động lại trở nên "có giá" hơn. Virus SARS-CoV-2 đã vô tình trở thành lý do để người lao động Mỹ đòi quyền lợi.

October Strike, làn sóng bãi công trong tháng 10/2021, và hiện tượng Great Resignation, khi giới làm công “ồ ạt từ bỏ nhiệm sở”, có nguy cơ đe dọa đà phục hồi kinh tế của Mỹ.

Vì sao xảy ra tình trạng thiếu hụt?

Ngày 15/11/2021, vài giờ trước thềm thượng đỉnh trực tuyến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt bút phê chuẩn kế hoạch đầu tư 1.200 tỷ USD nâng cấp cơ sở hạ tầng trong 8 năm sắp tới, kèm theo viễn cảnh “tạo thêm hàng ngàn việc làm” cho công nhân.

10 ngày trước, Bộ Lao động Mỹ thông báo tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 4,6% trong tháng 10/2021 và nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 513.000 việc làm trong một tháng. Tuy nhiên, Mỹ lại đang thiếu người làm việc.

Mức lương trung bình ở nước này đã tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng 100 triệu người lao động trên tổng số 330 triệu dân hiện vẫn đang đứng ngoài thị trường.

Tháng 8/2021, đã có 4,3 triệu người lao động (tương đương gần 3% dân số trong tuổi lao động) bỏ việc. Điều này đã dẫn đến tình trạng hiếm thấy là các tập đoàn công nghệ cao, ngành ngân hàng, rồi cả những tiệm tạp hóa cũng như các hãng dược phẩm… dưới những hình thức khác nhau thông báo tuyển dụng nhân viên và đưa ra những sáng kiến khuyến khích nhân viên mới về làm việc với mình.

Báo Les Echos của Pháp số ra ngày 25/10/2021 tường thuật tại New York, một nhà quản lý ngân hàng đang đau đầu vì có tới 6 nhân viên từ chức trong hai ngày và có tới 5% trong nhóm cộng sự bày tỏ ý định đổi ngành, xa lánh hẳn thế giới tài chính để làm những việc “hữu ích hơn”.

Vẫn ở bờ Đông nước Mỹ, một tập đoàn dược phẩm không ngần ngại tuyển dụng một nhân viên kỹ thuật với cái giá “trên trời” 100.000 USD/năm mà vẫn chưa thu hút được một ứng viên nào.

Giải thích về hiện tượng này, nhà báo Phạm Trần từ thủ đô Washington cho rằng nguyên nhân đầu tiên là ảnh hưởng nặng nề về tâm lý của đại dịch COVID-19. Người lao động thấy đồng nghiệp, bàn bè xung quanh đau ốm, mệt mỏi vì dịch bệnh nên có tâm lý sợ hãi và không muốn quay lại chỗ làm. Những người có tiền tiết kiệm thì cân nhắc xem có thể cầm cự được thêm một thời gian nữa hay không nếu họ cứ ở nhà, cho dù là phải cắt giảm một số khoản chi tiêu.

Thứ hai, công nhân tại các công ty thực phẩm hay các cửa hàng buôn bán lẻ trong đợt dịch vừa rồi họ vẫn tiếp tục phục vụ và nhận thấy rằng đồng lương quá thấp trong lúc các khoản chi phí trong gia đình như bảo hiểm, y tế, tiền giữ trẻ, học phí trẻ em lại tăng cao. Vì vậy, một số người chọn tạm ở nhà hay tìm việc khác để có thể trông nom con cái, cắt giảm được phần nào các phí tổn vừa nêu.

Góc nhìn mới về thị trường lao động

Có vẻ như vì đại dịch COVID-19, xã hội Mỹ đã có một cách tiếp cận mới về công việc và có những đòi hỏi cao hơn về điều kiện lao động, lương bổng, những khoản bảo đảm an sinh xã hội?

Nhà báo Phạm Trần nhận xét: “Điều đó rất đúng, nhất là đối với những người có lương thấp. Giới trung lưu có nhu cầu đòi chính phủ phải thay đổi. Họ đòi hỏi được đối xử tử tế hơn và phải được trả lương một cách xứng đáng so với những đóng góp. Nhu cầu phúc lợi xã hội đã tăng lên do các chi phí về y tế, giáo dục, phương tiện di chuyển quá tốn kém”.   

Một nét đặc thù ở Mỹ đó là tỷ lệ người trong tuổi lao động tham gia thị trường lao động thuộc diện thấp. Thống kê chính thức cho thấy trong tháng 9/2021 chỉ có 61,6% số người trong tuổi lao động đang có việc làm hoặc ghi danh tìm việc. Tỷ lệ này đã giảm 2 điểm phần trăm so với hồi đầu mùa dịch COVID-19 vào tháng 1/2020.

Đầu tháng 8/2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen báo động nước Mỹ cần “cấp bách đưa người trong độ tuổi lao động trở lại thị trường”. Tuy nhiên, những đòi hỏi về quyền lợi của người lao động đang đặt ra nhiều thách thức cho giới doanh nghiệp; đó là làm thế nào bảo đảm một nguồn nhân lực trong giai đoạn kinh tế đang “cất cánh” trở lại sau những tháng “ngủ đông” vì đại dịch.

Nhà báo Phạm Trần cho biết: “Tất cả mọi nơi đều thấy những tấm bảng tuyển dụng người làm việc. Các công ty tham gia thị trường chứng khoán hay các công ty lớn đều đề nghị có những phần thưởng dành cho những người mới ký hợp đồng với họ. Đó có thể là một vài tháng lương, là một khoản tiền hỗ trợ nhất định trị giá vài ngàn USD hay quà tặng máy tính, tivi, điện thoại cầm tay cho nhân viên…"

Những biện pháp nhằm thu hút lao động này cho thấy nước Mỹ đang rất cần người làm việc và sự thiếu hụt này là do những người đã nghỉ việc hay bị sa thải từ mùa dịch COVID-19 họ không còn muốn trở lại làm việc nữa. Họ đi tìm những công việc khác. Vì vậy, nhiều nhà hàng, các hiệu bán thực phẩm hay đồ gia dụng… đều thiếu nhân viên phục vụ. Hậu quả kèm theo là kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Chính vì thế, Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ đã thông qua kế hoạch kích cầu 1.200 tỷ USD để tiếp sức cho nền kinh tế, nâng cấp hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, chính phủ còn dự trù một kế hoạch thứ hai trị giá 2.000 tỷ USD để cải thiện toàn cảnh xã hội nước Mỹ. Tổng thống Biden kỳ vọng vào cả hai kế hoạch này để kích thích kinh tế”.

Về khả năng tuyển dụng lao động nhập cư?

Câu hỏi được đặt ra lúc này là trước hiện tượng khan hiếm lao động, liệu rằng Mỹ có phải nới lỏng chính sách nhập cư đón nhận lao động nước ngoài hay không?

Nhà báo Phạm Trần nhận định: “Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra bởi Mỹ có đủ công nhân. Đòi hỏi về những phúc lợi xã hội là đòi hỏi chung, không chỉ có chính phủ hay Quốc hội phải đáp ứng mà ngay cả các công ty cũng phải thỏa mãn những đòi hỏi đó của người lao động. Thêm vào đó, như vừa nói, gói kích cầu 1.200 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra thêm việc làm. Những đòi hỏi cải thiện điều kiện của người lao động cần phải được quan tâm. Tuy nhiên, hiện tại, người ta lo rằng làm thế nào ngân sách nhà nước không bị thâm hụt quá đáng để rồi bắt dân trả thêm thuế”.

Nghiên cứu của viện Gallup tháng 9/2021 kết luận cuộc khủng hoảng y tế “đã làm thay đổi cách nhìn của người Mỹ về việc làm” và 48% trong số họ có ý định đổi việc. Một thăm dò khác do Cơ quan thống kê Lao động Mỹ thực hiện ghi nhận hiện tượng “bỏ việc làm” hàng loạt chủ yếu được ghi nhận trong lĩnh vực tư nhân.

97% trong số 50 tập đoàn phân phối lớn nhất tại Mỹ - trong đó có Amazon hay dây chuyền siêu thị Walmart - đang gặp khó khăn ở khâu tuyển dụng nhân viên. Nhà hàng ăn nhanh McDonald’s đã phải tăng lương và đề nghị mở các trung tâm giữ trẻ cho nhân viên…

Câu hỏi đặt ra lúc này là cảnh nhân viên được "chiều chuộng" như vậy là hiện tượng nhất thời hay báo trước một sự thay đổi sâu rộng trên thị trường lao động Mỹ?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục